Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 06/07/2021
CÙNG TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Ngày 18/12, tướng Morlière – Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, Bộ Giao thông Công chính, phá bỏ các chướng ngại vật trên đường phố, tước vũ khí Đội tự vệ Việt Nam, giao Pháp giữ gìn trị an ở Hà Nội. Quân Pháp công khai tuyên bố hành động vào ngày 20/12/1946, nếu Việt Nam không đáp ứng yêu cầu.
Sau cuộc họp ngày 17/12/1946 của Hội đồng Chính phủ, có Trưởng ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn tham dự, để nghe báo cáo về âm mưu mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp, trong hai ngày 18 và 19/12/1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng duới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động toàn dân kháng chiến và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến.
Làng Vạn Phúc (Hà Đông) – nơi Hồ Chủ tịch phát động
Toàn quôc kháng chiến, 19/12/1946.
Trưa ngày 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện chỉ thị cho các chiến khu, các tỉnh ủy: “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu nổ súng kháng chiến toàn quốc được phát ra từ pháo đài Láng (Hà Nội). Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:
“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm chiếm nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.. (Hồ Chí Minh Toàn tập – Tập 4, tr 480).
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước sang giai đoạn mới: từ Nam chí Bắc, toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chống quân xâm lược.
Cuộc toàn quốc kháng chiến diễn ra trong bối cảnh quốc tế sau: Liên Xô đang dồn sức hàn gắn vết thương rất nặng nề của Chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Trung Quốc, lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã giải phóng 100 triệu/ 450 triệu dân ở phần đất phía Bắc và còn phải tiếp tục chiến đấu để giải phóng phần đất phía Nam. Các nơi này đều chưa có điều kiện giúp Việt Nam.
Ở Pháp, sau chiến tranh, tình hình kinh tế - xã hội rất khó khăn. Các đảng phái tham gia Chính phủ Liên hiệp không nhất trí với nhau trong vấn đề Đông Dương.
Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa, nhưng yếu thế bị gạt ra khỏi chính phủ, trong khi đó phe hữu (hiếu chiến) thắng thế.
Ở Đông Nam Á, Indonésia, Miến Điện… đang có phong trào chống thực dân tái xâm lược nước mình.
Trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, lực lượng so sánh giữa Việt Nam và Pháp rất chênh lệch(1). Tuy số quân chủ lực của bộ đội tập trung hai bên xấp xỉ nhau (Việt Nam 82.000/ quân Pháp 90.000), nhưng quân viễn chính Pháp được tăng viện hàng năm, lại có ưu thế tuyệt đối về trang bị kỹ thuật.
Mặt khác, lúc nổ ra toàn quốc kháng chiến, quân Pháp đã ở trên đất nước Việt Nam trong thế xen kẽ trên từng chiến trường, từng thành phố, thị xã; thậm chí từng khu phố, từng khu vực mục tiêu. Nhưng chính thế trận này đã làm cho Pháp phải dàn trải quân, gây ra nạn thiếu quân thường xuyên, nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa mở rộng mục tiêu tiến công và bảo vệ nơi đã chiếm giữ ở Nam Bộ, Lào và Cao Miên.
Việc đế quốc Pháp mở rộng chiến tranh ra cả nước, một mặt đã kích động tinh thần sục sôi cách mạng, căm thù giặc sâu sắc trong toàn dân thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; mặt khác đã gây những khó khăn mới cho kháng chiến. Việt Nam phải bố trí lại tổ chức và chuyển đổi cách hoạt động cho phù hợp với tình hình cả nước có chiến tranh. Các cơ quan lãnh đạo thực hiện kế hoạch di chuyển người, kho tàng, máy móc, trang bị và các nguyên vật liệu cần thiết về nơi an toàn.
(1) Năm 1946, tổng số quân Pháp và lính bản xứ là 90.000 quân, trong đó có 65.000 lính Âu Phi, 25.000 lính bản xứ. Lực lượng Việt Nam là 82.000 quân.
Trong quá trình di chuyển phải bảo đảm duy trì các mặt hoạt động, báo vẫn phát hành, đài phát thanh vẫn không ngừng phát sóng. Công tác khác quan trọng là tổ chức đưa đón hàng chục vạn đồng bào tản cư ra khỏi vùng chiến sự theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vô luận thế nào cũng không được bỏ dân bơ vơ”.
Ở chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, việc quân Pháp tập trung quân ra chiến trường chính Việt Bắc tạo cho phía cách mạng điều kiện thuận lợi hơn để củng cố lại lực lượng, rổ chức tiến công địch, phối hợp với chiến trường cả nuớc.
1. CHÍNH SÁCH BÌNH ĐỊNH CỦA THỰC DÂN PHÁP
VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
1/ Chính sách bình định của thực dân Pháp:
Mở rộng chiến tranh ra cả Việt Nam, thực dân Pháp chủ trương: một mặt tập trung quân đánh chiếm miền Bắc, mặt khác bám chặt và sớm bình định Nam Bộ. Theo chúng, Nam Bộ có vị trí chính trị, kinh tế rất quan trọng, nơi dự trữ sức người, sức của cho chiến tranh, là chìa khóa của mọi kế hoạch chiến lược, chinh phục lại Việt Nam và Đông Dương.
Đối với chiến trường Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet trong Chỉ thị chính trị ngày 21/9/1946 cho Cao ủy Pháp ở Đông Dương D’Argenlieu đã khẳng định: “Chính phủ đã rút ra được một điều tin chắc rằng Nam Kỳ là cái trục thực sự của toàn bộ chính sách của chúng ta ở Đông Dương. Chúng ta phải thành công và thành công nhanh ở Nam Kỳ, vì rằng tương lai sự có mặt của nước Pháp hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào thắng lợi hay thất bại của chúng ta ở đây(2).
Tuy mở rộng chiến tranh ra toàn lãnh thổ Việt Nam, Pháp vẫn coi “bình định Nam Bộ là một khâu then chốt” mà chúng hy vọng hoàn thành vào mùa thu 1947. Chính sách bình định Nam Bộ của thực dân Pháp có nội dung chủ yếu như sau: “Chia để trị” là chủ trương nhất quán về chính trị của Pháp: việc chia rẽ dân tộc Việt Nam nói chung và Mặt trận Dân tộc kháng chiến nói riêng trong kế hoạch bình định Nam Bộ, nhằm tạo ra hai lực lượng đối địch nhau: khối cộng sản và khối quốc gia, cả trong kháng chiến và ngoài kháng chiến. Chúng muốn biến cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp thành cuộc nội chiến, thành nhiều cuộc xung đột đổ máu trong nội bộ nhân dân Việt Nam. Để chia rẽ dân tộc, chúng dùng mọi thủ đoạn lôi kéo kết hợp với rún ép các đối tượng sau đây:
- Số địa chủ chống đối bị cách mạng trấn áp tước quyền chính trị và kinh tế, chúng đưa số này nắm bộ máy chính quyền bù nhìn;
- Số trí thức có quyền lợi gắn chặt với thực dân Pháp cùng với các phe nhóm chính trị phản động, Pháp đưa vào các loại tổ chức khác nhau mang nhãn hiệu “quốc gia” chống cộng sản;
- Những phần tử Trốt-kít bất mãn, lưu manh, phản động, có quyền thế trong đạo giáo, dân tộc thiểu số;
- Bọn đầu hàng, đầu thú, ly khai quy thuận “quốc gia” chống cộng sản;
- Hội tề, lính kín, quân đội chế độ cũ trở lại làm tay sai cho chúng, chống cách mạng.
Thủ đoạn chủ yếu của Pháp là sử dụng nhân viên tình báo (phòng nhì – 2è bureau), tìm mọi cách mua chuộc, ly gián, chia rẽ nội bộ nhân dân, nội bộ các đoàn thể kháng chiến, nội bộ Đảng. Trước hết chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, chia rẽ Bắc Nam.
Thực dân Pháp dựng lên các đảng phái và đoàn thể quốc gia già hiệu(1), lập các “khu quốc gia”, “khu an ninh”, một mặt để lừa bịp quần chúng nhất là dư luận Pháp; mặt khác nhằm tạo thêm cơ sở xã hội, lôi kéo người kháng chiến trở về đầu thú làm việc cho Pháp.
Cùng với việc nới rộng quyền cho Chính phủ Nam kỳ tự trị (do Lê Văn Hoạch làm thủ tướng), Pháp mua chuộc, lôi kéo các nhóm phản động trong phái Cao Đài Tây Ninh, Hòa Hảo, trong lực lượng Bình Xuyên, người Khmer, Hoa kiều Quốc dân Đảng, tổ chức ra một số đơn vị gồm một số lưu manh đội lốt Công giáo (UMDC của Léon Leroy)… vũ trang cho bọn này, cắt đất, phân một số vùng cho chúng làm lãnh địa gọi là “vùng tự trị”, khuyến khích, giúp đỡ chúng chống kháng chiến, mở rộng vùng tạm chiếm(3).
Pháp tiến hành cuộc chiến tranh trên lĩnh vực kinh tế - tài chính, gồm hai mặt: một mặt duy trì, khuyến khích, tạo điều kiện cho tư sản Pháp, tư sản địa chủ người Việt Nam, người Hoa khôi phục, đẩy mạnh khai thác cao su và các cây công nghiệp khác ở miển Đông Nam Bộ và lúa gạo ở miền Tây; mặt khác thi hành thủ đoạn phá hoại kinh tế kháng chiến, ngăn chặn đường tiếp tế của lực lượng cách mạng, vơ vét của dân, thực hiện chính sách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
(2), (3) Ngoài các tổ chức của Cao Đài Tây Ninh và Hòa Hảo, ở Sài Gòn – Chợ Lớn có các đảng phái và tổ chức chính trị phản động sau: Thanh niên Bảo quốc đoàn, Liên hiệp Thanh niên nghĩa dõng, Đại Việt Quốc dân Đảng, Mặt trận Bình dân Nam Kỳ, Tân Việt Nam, Nhóm Tinh thần – Xã hội Công giáo, Thanh niên Ái quốc đoàn, Việt đoàn, v.v…, nhưng những tổ chức này không có mấy ảnh hưởng trong quần chúng.
Sau khi điều bớt quân ra Bắc, tướng Nyô – Tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Bộ có trong tay 23 tiểu đoan bộ binh người Âu - Phi, 5 đại đội thiết giáp, 9 đại đội pháo binh. Tất cả khoảng 38.000 quân. Số lính bổ túc gồm 16.000 quân (forces supplétives). Mỗi tiểu đoàn Âu – Phi được tăng cường một đại đội phụ lực quân. Ngoài ra còn có các lực lượng vũ trang của Cao Đài Tây Ninh, Bình Xuyên, Hòa Hảo, người Khmer, lực lượng UMDC của Léon Leroy… Nyô – Tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Bộ chủ trương tổ chức lại chiến trường, rút bớt các đồn nhỏ lẻ, tập trung lực lượng vào vùng trọng điểm, chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu và đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Chúng phát triển số quân người bản xứ(4), đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, liên tục mở các cuộc hành quân lớn đánh vào các khu căn cứ kháng chiến nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, lực lượng vũ trang của cách mạng, càn quét các vùng du kích, mở rộng các vùng tạm chiếm, triệt phá chính quyền và cơ sở cách mạng, thiết lập tề xã, bắt lính thực hiện chủ trương dùng người Việt đánh người Việt.
2. CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI NAM BỘ
Trước âm mưu này của thực dân Pháp, từ ngày 16/12/1946, Trung ương Đảng đã có điện báo cho Xứ ủy Nam Bộ “Theo tình hình bên Pháp và lòng tham của thực dân, chỉ có một cuộc chiến tranh toàn diện, lâu dài, gay gắt, khó khăn mới giải quyết được chủ quyền của Việt Nam…
Nhiệm vụ của Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc(5). Cũng trong tháng 12/1946, Trung ương Đảng có “Thư gởi các đồng chí Nam Bộ” chỉ ra các mặt công tác ở Nam Bộ phải làm để “không những làm cho chúng không thể lấy Nam Bộ dùng đánh Trung, Bắc, mà lại làm Nam Bộ cản trở thêm khó khăn, nguy hại cho chúng. Cho nên công tác phá hoại, bất hợp tác về mọi phương diện là công tác chính”. Phải “luôn luôn bảo vệ và xây đắp chính quyền…, phải có những cơ quan hành chánh bí mật hay công khai, bao giờ cũng tiêu biểu chính quyền của ta vẫn có ở Nam Bộ… kêu gọi các nhà đại trí thức, điền chủ phải làm ráo riết, nhưng quan trọng nhất là về tôn giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cố tìm hết cách để đoàn kết…, cố thắt chặt hàng ngũ với Đảng Dân chủ và các đảng phái…”(6).
(4) Địch đẩy mạnh chiêu dụ thanh niên người Việt Nam vào lính nhằm không ngừng gia tăng tỷ lệ quân người bản xứ trong lực lượng quân sự của Pháp, phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam: Năm 1945 – 5.000 trên tổng số 32.000; năm 1947 – 43.000 trên 85.000; năm 1950 – 122.000 (Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 1976, tr. 41).
(5), (6) Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 8, tr. 156, 162, 163, 164.
Sau khi nêu một số nhiệm vụ cụ thể mà Nam Bộ phải thực hiện trong bối cảnh Toàn quốc kháng chiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kết luận: “Muốn thực hành những nhiệm vụ này, Đảng ta (ở Nam Bộ) cần phải mạnh và thống nhất. Không có một Đảng thống nhất và mạnh mẽ, không thể đương đầu với tình thế hiện tại được. Thống nhất…, củng cố Đảng, phát triển Đảng thành một Đảng quần chúng đủ oai quyền, đầy đủ năng lực lãnh đạo là điều kiện cốt yếu để kháng chiến kiến quốc”.
Nguồn: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến
Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, tập 1.
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ