Danh mục
Nguyễn Trọng Xuất - Ngày: 31/01/2020
ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN
CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ
Nguyễn Công Ái1
Thời kỳ những năm đầu của thập kỷ 50, cơ quan Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn đóng tại chiến khu Đ. Vào thời ấy, nơi đây rất hoang sơ và vắng vẻ. Ngoài các vườn cao su là đồn điền của người Pháp xây dựng trước đây, phần còn lại đều là rừng tự nhiên, dân cư thưa thớt, nhà cửa của dân địa phương chỉ là những túp lều nằm lác đác dọc theo đường, vào sâu một chút thì toàn là rừng cây rậm rạp. Đến những nơi này ta có cảm giác chưa có người lai vãng, nên đây là điều kiện rất tốt để chọn địa điểm đóng quân hoặc xây dựng cơ quan hoạt động kháng chiến.
Trong thời kháng chiến, cơ quan Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn được đặt ở các tỉnh quanh thành phố, những địa danh mà cơ quan Dân Chánh Đảng thành phố đặt bản doanh như vùng Bàu Cò, Láng Le, Vườn Thơm Lý Văn Mạnh (ngoại thành). Sau đó chuyển xuống đóng cơ quan dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An).
Năm 1950, dời về cù lao Long Phước, Thủ Đức. Do địch phát hiện và đánh phá ác liệt nên từng bộ phận lần lượt chuyển qua Long Thành, rạch Ông Kèo (Biên Hòa), Tân Uyên (Thủ Dầu Một). Sau đó dời về bàu Cá Trê (Sông Bé) Tại đây có biệt danh là chiến khu Đ, xây dựng nhiều công trình quy mô, lập thành căn cứ và hoạt động lâu dài nhất vào thời kỳ đó.
Thời chiến đòi hỏi bộ máy chính quyền phải gọn nhẹ, cơ quan Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn tuyên truyền ít người nhưng là bộ phận đầu não, chỉ huy các hoạt động nội thành chống Pháp. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ quan kháng chiến của thành phố đóng ở chiến khu Đ khá an toàn, xây dựng lực lượng vững mạnh, hoạt động ổn định trong thời gian tương đối dài.
Thời kháng chiến chống Pháp, hỏa lực của địch còn hạn chế, vùng chiến khu Đ tuyên truyền tuy không xa thành phố (tính theo đường chim bay) nhưng giặc Pháp ít khi có những cuộc đánh phá quy mô lớn. Do vậy nên cũng dễ dàng cho chúng ta trở lại hoạt động. Tuy nhiên, việc liên lạc với nội thành lại thông qua nhiều trạm rất trắc trở khó khăn. Chính vì khắc phục nhược điểm này đòi hỏi phải có giải pháp mới, có thể xoay chuyển tình thế, lãnh đạo thành phố đã chủ trương xây dựng Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do.
1- Nguyên cán bộ ở Văn phòng Đài Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do; nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Hoàn cảnh kháng chiến lúc bấy giờ thiếu thốn mọi bề, điều kiện vật chất rất sơ khai, mỗi người sẵn sàng chấp nhận khó khăn gian khổ và sẵn sàng hy sinh. Riêng tôi xuất thân từ một gia đình nông dân ngoại thành, tự nguyện tham gia kháng chiến, lúc đầu chưa quen sống tập thể, nhưng cũng nhanh chóng khắc phục và sớm thích nghi môi trường mới.
Thời kỳ đóng ở bàu Cá Trê, tôi làm việc ở Ban Tuyên huấn. Khi ấy Đài Phát thanh ở một điểm xa hơn, phải đi sâu vào rừng. Việc xây dựng Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do phải hội đủ các điều kiện không gian và thời gian, bởi vì nó được lắp đặt ở một nơi rất hẻo lánh, kín đáo và an toàn. Lại đúng vào lúc phong trào cách mạng nội thành đang phát triển rất sôi động, nổi bật là các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn dâng cao với sự kiện đám tang Trần Văn Ơn ngày 12/1/1950 và cuộc biểu tình của 300.000 đồng bào nội thành chống can thiệp Mỹ ngày 19/3/1950.
Về tính chất, việc ra đời Đài Phát thanh kháng chiến của thành phố là sự kiện quan trọng đặc biệt, thể hiện sức mạnh của cơ quan đầu não chính quyền kháng chiến thành phố. Khi ấy kẻ địch rất hoang mang, chúng thừa biết phương tiện thông tin qua làn sóng điện lợi hại như thế nào, sẽ nhanh chóng đưa tin chiến sự rất sốt dẻo đến người dân tận hang cùng ngõ hẻm thành phố. Đây là biện pháp rất hữu hiệu, hơn hẳn so với cách thâm nhập bằng đường bộ vào nội thành bằng truyền đơn, báo chí v.v…
Tính ưu việt của việc đưa tin qua đài phát thanh thì đã rõ, nhưng làm thế nào để có được đài phát thanh là việc cực kỳ khó, bởi lẽ phải có đầy đủ máy móc, thiết bị cho bộ máy hoạt động ở mức tối thiểu nhất. Phải thừa nhận, trong hoàn cảnh và điều kiện lúc bấy giờ là quá thiếu thốn nhưng nhờ lãnh đạo rất quyết tâm, huy động lực lượng đóng góp của bà con nội thành, khéo léo móc nối, tổ chức thành nhiều chuyến đưa thiết bị máy móc, phương tiện chuyên dùng ra vùng kháng chiến được an toàn. Quá trình làm việc này vượt qua bao khó khăn chồng chất, nhưng nhờ các đồng chí lãnh đạo sáng suốt, đánh giá đúng sức mạnh của ta và sơ hở của địch, nên đã thực hiện thắng lợi thành công nhiệm vụ trọng yếu này.
Tôi còn nhớ đồng chí Huỳnh Tấn Phát (anh Sáu Phát) lúc bấy giờ là Trưởng phòng Tuyên huấn trực tiếp chỉ huy xây dựng Đài. Anh lúc nào cũng vui vẻ cởi mở, luôn gần gũi động viên anh chị em. Nhờ đó quy tụ được mọi lực lượng, trong thời gian ngắn xây dựng xong đài phát thanh. Ngoài ra đã đào tạo và dàn dựng khá bài bản đội ngũ phát thanh viên, ca sĩ, nhạc công, thực hiện được các chương trình, các buổi phát thanh của Đài.
Việc ra đời Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do là do nhiều nguyên nhân từ yếu tố lãnh đạo, đến huy động khả năng các nhà tài trợ và việc tổ chức thực hiện chu đáo. Khi Đài chính thức phát sóng là đã đạt được mức hoàn chỉnh, đảm bảo các hoạt động từ kỹ thuật, biên tập, dàn dựng chương trình, phát thanh các nội dung đều rất bài bản, chuẩn mực…
Do ta nắm được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân nội thành là rất khao khát tin tức chiến sự, nên cũng hiểu được tại sao bà con rất phấn khởi khi tiếp nhận làn sóng Đài Phát thanh - tiếng nói của lực lượng kháng chiến của chính thành phố mình. Đây cũng là dịp đánh thức lương tâm, tình cảm của mọi người dân yêu nước hướng về cách mạng.
Qua sự kiện này, càng nêu cao uy tín của cách mạng, người dân vùng tạm chiếm tin tưởng vào sự tất thắng của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do không tồn tại được lâu, nhưng nó đã lưu lại trong ký ức người dân nội thành một tình cảm tốt đẹp, khẳng định cách mạng có thể làm được mọi việc nếu họ muốn. Nhờ đó mà kẻ địch không dễ gì xuyên tạc, lừa phỉnh dư luận.
Thời gian nửa thế kỷ đã trôi qua, khi hồi tưởng lại tôi thấy rất tự hào vì mình đã có một thời được đóng góp, dù rất nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và hoạt động của Đài Phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do. Đây là sự kiện có một không hai, chắc chắn sẽ được lưu truyền trong sử sách về cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc ta, khẳng định một chân lý là sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Khi nào lãnh đạo khơi dậy được sức mạnh của quần chúng, lúc ấy sẽ tạo dựng được phong trào và đạt đến thắng lợi.
N.C.A.
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- TẤM LÒNG NHÀ BÁO PHAN NGỌC HIỂN (*)