Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 08/07/2021
DẤU ẤN K2 GIỮA VÙNG “TAM GIÁC SẮT”
Nhà báo Cao Kim Toàn
Sau cú choáng váng do bất ngờ bị quân, dân ta giáng đòn sấm sét trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập hợp lực lượng, điên cuồng mở nhiều cuộc phản kích, càn quét các tỉnh xung quanh Sài Gòn - Gia Định, cố đẩy Việt cộng ra xa thành phố.
Vùng cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn mà bọn Mỹ thường gọi là Tam giác sắt (gồm huyện Củ Chi thuộc tỉnh Gia Định, giáp huyện Trảng Bàng, Dầu Tiếng - tỉnh Tây Ninh và huyện Bến Cát - tỉnh Bình Dương) từ mấy năm trước từng nhiều lần bị bom đạn Mỹ chà đi xát lại, nay lại tiếp tục chìm đắm trong máu lửa, chết chóc. Chúng dùng đến bom tấn, pháo cực nhanh, chất độc hóa học và xe ủi đất san phẳng những cánh rừng vốn xác xơ, những ngôi nhà đã cháy rụi, dồn dân vào sống hỗn độn trong các ấp chiến lược để kềm kẹp, uy hiếp tinh thần dân chúng, triệt phá các cơ sở cách mạng, cắt đứt mọi sự liên hệ giữa nhân dân với Quân Giải phóng. Nhưng càng hung hăng càn quét, đánh phá, chúng càng bị quân và dân ta trừng trị.
Năm đó, tại vùng Tam giác sắt, bên cạnh các đơn vị chủ lực lừng danh của Quân Giải phóng như Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 (mật danh: Công trường 9, Công trường 5, Công trường 7) và một số đơn vị pháo binh, bộ đội địa phương, có một tiểu đoàn bộ binh Quân Giải phóng mới xuất hiện. Tình báo Mỹ - ngụy theo dõi và biết rõ đơn vị Việt cộng này mang mật danh K2, vừa từ xa tới. Chúng tưởng K2 còn mệt mỏi, lạ địa bàn, chưa thể tác chiến, không ngờ ngày 6/5/1968, trận đầu xuất kích, các chiến sĩ ta táo bạo chặn đánh cả đoàn xe tăng Mỹ có máy bay, pháo binh yểm trợ ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, ngay cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định, bắn cháy 8 xe tăng, bắn rớt 2 máy bay lên thẳng, diệt gọn toàn bộ bọn địch trên xe.
Tức tối trước lối đánh nhỏ mà hiểm của K2, Mỹ tìm cách tiêu diệt đơn vị đó. Nhưng thật lạ, suốt từ ngày ấy đến những năm sau, cũng như các đơn vị khác của Quân Giải phóng, K2 vẫn đứng vững trong vùng chúng hủy diệt bằng bom đạn; hơn nữa, còn luôn xuất hiện và bất ngờ tấn công quân Mỹ giữa những nơi chúng đóng dày đặc.
Vậy K2 là đơn vị nào, từ đâu tới mà làm cho Mỹ và quân đội Sài Gòn đau đầu? Mãi sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, qua báo chí cách mạng, những người từng sống và chiến đấu trên đất này mới hiểu tường tận về K2, một đơn vị Quân Giải phóng non trẻ mà anh hùng.
K2 là mật danh tiểu đoàn bộ binh mang tên Cát Bi (*) - trước đó là Tiểu đoàn 342 (còn gọi Đoàn 263, thuộc Trung đoàn 42, Sư đoàn 350, Quân khu Ba), một trong nhiều tiểu đoàn được thành lập năm 1967 gồm hầu hết là con em của thành phố Hải Phòng, để chi viện chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Các chiến sĩ tiểu đoàn đều là những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi đầy sức xuân, vừa rời ghế nhà trường tại các vùng quê Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Đồ Sơn và các quận nội thành Hải Phòng. Trước khi ra trận, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải trải qua tám tháng khổ luyện về thể lực và kỹ thuật quân sự ở vùng rừng núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) - nơi khí hậu khắc nghiệt và địa hình hiểm trở. Rồi vẫn đội hình ấy, các anh hành quân thẳng vào Nam.
Tiểu đoàn Cát Bi cùng các đơn vị bạn vượt Trường Sơn giữa lúc Xuân về, Tết đến. Đó là Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, quân và dân miền Nam ta đồng loạt Tổng tiến công và nổi dậy, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” theo Thơ chúc Tết của Bác Hồ - Lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Hết leo núi, trèo đèo lại vượt sông, lội suối, ròng rã gần nửa năm hành quân gian khổ, đến cuối mùa Xuân, Tiểu đoàn Cát Bi vào tới đất thép Củ Chi và mang phiên hiệu mới: Tiểu đoàn 2 (K2), phiên chế trong đội hình Trung đoàn 268, Phân khu 1 Lực lượng võ trang giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Nhận nhiệm vụ chiến đấu ở vùng Tam giác sắt, cán bộ, chiến sĩ K2 hiểu rõ sự tin cậy của cấp trên, của cả hậu phương và tiền tuyến đối với mình. Thời điểm ấy, tại vùng này, địch tập trung và bố trí dày đặc nhiều lực lượng tinh nhuệ: Sư đoàn bộ binh số 1 sừng sỏ của Mỹ mang tên Anh cả đỏ đóng tại Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát; Sư đoàn bộ binh số 25 Tia chớp nhiệt đới Mỹ đóng tại Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Lớn.
Bên cạnh quân Mỹ là Sư đoàn 5, Sư đoàn 25 bộ binh và lữ đoàn xe tăng, lữ đoàn không vận bằng máy bay lên thẳng của quân đội Sài Gòn. Mỹ còn có lực lượng không quân hùng hậu, sẵn sàng dùng bom đạn hủy diệt mọi mục tiêu. Pháo bộ binh tầm xa của chúng bố trí khắp nơi, có thể bắn cấp tập kiểu “giao hội” (bắn cùng lúc từ năm, sáu nơi vào một điểm trong nhiều giờ). Ngoài ra, tại các huyện, địch còn có các chi khu, tiểu khu quân sự, hệ thống đồn bót, các đội biệt kích “mũ nồi xanh” và đội quân thám báo.
Bọn Mỹ và quân đội Sài Gòn biết K2 cũng như các đơn vị khác của Quân Giải phóng không có nhiều vũ khí và trang bị hiện đại như chúng, nhưng được huấn luyện về mọi mặt, đặc biệt có tinh thần chiến đấu tuyệt vời, ý thức tổ chức kỷ luật cao, lại được nhân dân hết lòng nuôi dưỡng, ủng hộ. Họ mưu trí, dũng cảm, có nhiều cách đánh mới lạ, linh hoạt, bất ngờ, làm chúng luôn bị động, khó đối phó.
Trò chuyện với phóng viên báo Giải Phóng sau một trận đánh Mỹ tại Củ Chi hồi đó, đồng chí Mai Văn Hiệu, Tiểu đoàn trường Tiểu đoàn Cát Bi cho biết, do được chuẩn bị kỹ từ khi huấn luyện nên đơn vị tiếp cận địa bàn khá nhanh, sớm thích nghi với đối tượng tác chiến và các tình huống chiến đấu tại vùng trọng điểm.
- Măc dù chỉ là đơn vị nhỏ, chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt với quân Mỹ đông gấp bội, có vũ khí và trang bị hiện đại, nhưng chúng tôi vẫn luôn chủ động tấn công, đối phó với nhiều cách đánh của chúng: đánh chặn các cuộc tấn công bằng bộ binh có xe tăng, thiết giáp, pháo binh và máy bay yểm trợ; đánh quân đổ bộ bằng đường không; đánh phản kích, càn quét bằng xe tăng, thiết giáp và chặn đánh cả đoàn tàu chiến Mỹ trên sông Sài Gòn giữa ban ngày…, nhiều trận thắng vang dội.
Tiểu đoàn trưởng Mai Văn Hiệu nói. Chỉ riêng hai năm 1968 - 1969, tiểu đoàn đánh 47 trận, hầu hết là chiến đấu với quân Mỹ, chỉ có 4 trận chiến đấu với quân đội Sài Gòn. Trong 26 trận quyết liệt đánh phản kích, mặc dù phải hứng chịu bom đạn suốt ngày đêm, cán bộ và chiến sĩ K2 vẫn kiên cường trụ vững, anh dũng phá vây và đẩy lui tất cả các đợt tấn công điên cuồng của bộ binh Mỹ.
Trong trận chống càn tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày 11/12/1968, các chiến sĩ K2 chiến đấu với quân Mỹ liên tục từ sáng tới tối. Mặc dù bị thiệt hại nhiều nhưng chúng không chịu rút mà nằm im để thăm dò lực lượng ta. Phải “lôi cổ” bọn Mỹ ra để đánh! Với quyết tâm ấy, các chiến sĩ K2 lập tức pháo kích vào bàu Chà Rầy, nơi chúng đang co cụm. Đúng như ta dự đoán, lũ giặc cuống cuồng chạy sang ấp Bố Heo. Các tổ xung kích K2 chặn đánh chúng ngay trong ấp. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở từng ngõ xóm, góc vườn, gốc cây. Đêm đến, tưởng Việt cộng đã rút, bọn Mỹ vẫn co cụm chờ lực lượng bổ sung, không ngờ lại bị K2 bám sát, đánh tới tấp, gây nhiều thương vong hơn. Cuối cùng, chúng phải tháo chạy. Chính tại nơi này, các chiến sĩ K2 dũng cảm đã áp dụng lối đánh gần - “bám thắt lưng địch mà đánh”, khiến bọn Mỹ nhiều phen khiếp vía. Có lần, cũng ở Trảng Bàng, một tiểu đoàn lính Mỹ được pháo binh và máy bay chiến đấu các loại yểm trợ hùng hổ tấn công định tiêu diệt cơ quan chỉ huy của K2. Bọn Mỹ vừa vượt qua tuyến phòng ngự bên ngoài khu vực đóng quân của K2, đội trinh sát của tiểu đoàn do đồng chí Lê Hoài Thanh chỉ huy, từ công sự bất ngờ vọt lên đánh giáp lá cà với chúng. Nhiều tên Mỹ gục tại chỗ. Hoảng sợ, bọn chúng vừa la hét vừa cố lôi xác những tên chết ra khỏi trận địa để máy bay ném bom và pháo binh bắn vào đội hình Quân Giải phóng. Không buông tha bọn giặc, các chiến sĩ ta giữ xác chúng ngay tại công sự và tiếp tục xông ra tiêu diệt những tên liều lĩnh bò tới. Quân Mỹ hoảng loạn, lúng túng bắn vào nhau, tự gây thêm thương vong. Rồi cả tiểu đoàn giặc phải ôm đầu rút chạy. Trận ấy, 25 tên Mỹ toi mạng, nhiều tên bị thương.
Trận chặn đánh tàu chiến của Mỹ trên sông Sài Gòn cũng là một trận đánh đầy mưu trí, táo bạo và chiến thắng vang dội của cán bộ, chiến sĩ K2. Thời gian đó, tại vùng Tam giác sắt, Mỹ - ngụy không những ném bom, tàn phá các xóm ấp, xóa sạch từng vườn cây, bụi cỏ, gom dân vào các ấp chiến lược mà còn dùng nhiều lực lượng kiểm soát chặt chẽ tuyến sông Sài Gòn.
Riêng đoạn sông từ Dầu Tiếng về Sài Gòn, bốn chiếc tàu chiến Mỹ thường xuyên qua lại. Cả bốn tàu đều được trang bị hiện đại, có tốc độ nhanh. Mỗi tàu gắn hai súng 12 ly 7, súng cối 60, súng M.72, M.79, tiểu liên cực nhanh và có hơn 30 lính Mỹ. Chúng tàn phá các xóm ấp, tạo thành vùng trắng dọc hai bên bờ sông, gây nhiều tội ác với nhân dân ta và cản trở hoạt động của các lượng võ trang giải phóng.
Nhận lệnh của cấp trên, K2 nhanh chóng triển khai kế hoạch chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt bằng được bốn tàu chiến này. Ban chỉ huy K2 giao nhiệm vụ cho đại đội 2, do Đại đội trưởng Vũ Trọng Thùy chỉ huy, cử Trung đội trưởng trinh sát Đào Bá Đức tăng cường cho lực lượng đánh tàu. Hai tổ hỏa lực của đơn vị nhiều ngày thay nhau bám sát bờ sông nắm tình hình địch.
Cán bộ, chiến sĩ ta chọn đoạn sông từ Dầu Tiếng chảy qua Thanh An đến gần rừng Bà Nhã, thuộc xã Đông Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, làm trận địa phục kích chặn đánh tàu giặc, bởi nơi này có khúc quanh, lòng sông hẹp, lại có suối, các tàu chiến Mỹ mỗi lần chạy qua đây thường phải giảm tốc độ và rất khó chi viện cho nhau khi bị tấn công. Bọn lính trên tàu cũng dễ chủ quan do ở ven bờ phía bên kia sông có một chốt quân Mỹ mới lập để ngăn chặn Việt cộng, bảo vệ tàu chiến.
Các tổ hỏa lực của đại đội 2 bí mật đào công sự, tổ chức tuyến chiến đấu ở sát bờ sông và gần bìa rừng. Ngày 10/12/1969, bốn chiếc tàu chiến Mỹ được pháo binh và máy bay trực thăng yểm trợ, hung hăng chạy từ Sài Gòn lên Dầu Tiếng. Mặc dù đội tàu địch lọt vào tầm bắn nhưng các chiến sĩ ta không vội nổ súng mà trụ lại đợi khi chúng quay về. Hơn bốn ngày đêm kiên trì bám công sự, tuy không đủ lương thực, thực phẩm, phải đào củ mài, củ mì ăn thay cơm, nhưng các chiến ta vẫn không rời trận địa.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 12/12/1969, sau khi các máy bay trinh sát và máy bay trực thăng quần đảo liên tục và bắn phá vu vơ hai bên sông để dọn đường, từ phía thượng nguồn, đội tàu chiến Mỹ xuất hiện. Khi còn cách trận địa mai phục của quân ta chừng 300 mét, đột nhiên cả bốn tàu đều dừng lại và tắt máy. Đúng như dự đoán của ta, bọn chỉ huy Mỹ rất chủ quan, tưởng về đến đây là an toàn nên cho dừng tàu để chúng tắm mát. Trên mỗi tàu, chúng chỉ để lại một tên giữ súng 12 ly 7 cảnh giới, còn tất cả đều cởi quần áo nhào xuống sông. Đây là thời cơ rất tốt để các chiến sĩ ta tiêu diệt chúng. Sau một hồi ngụp lặn và cười nói ầm ỹ cả khúc sông, bọn Mỹ kéo nhau lên tàu và hý hửng nổ máy, chạy về hướng căn cứ Tân Cảng Sài Gòn.
Chiếc tàu thứ nhứt, rồi chiếc thứ hai, thứ ba, thứ bốn lần lượt dẫn xác tới gần trận địa phục kích của quân ta. Bình tĩnh đợi chúng lọt đúng tầm ngắm, xạ thủ Tỉnh trong tổ khóa đầu lập tức nhằm vào chiếc tàu thứ nhứt phát hỏa. Tiếng nổ vang lên! Trái đạn B.40 bất ngờ phóng ra, tạo thành khối lửa trùm lên tàu giặc. Cùng lúc, xạ thủ Nguyễn Văn Vân phóng một trái B.40 vào chiếc tàu thứ hai. Cả hai tàu bốc cháy ngùn ngụt. Các loại đạn trên hai chiếc tàu cũng phát nổ theo. Lửa và nước vọt lên tung tóe. Khi bọn Mỹ trên chiếc thứ ba đang hoảng hốt, chưa biết đối phó ra sao thì trung đội trưởng Đào Bá Đức nhanh chóng đưa đường ngắm vào giữa thân tàu và siết cò. Lại một tiếng nổ lớn vang lên! Chiếc tàu giặc biến thành khối lửa đỏ rực. Đức nạp đạn và bồi tiếp cho nó trái B40 nữa. Chiếc tàu chao nghiêng và bùng cháy mạnh hơn. Đang định bắn thêm một trái cho chiếc tàu thứ ba chìm luôn, chợt thấy chiếc tàu thứ tư đi sau cùng quay đầu bỏ chạy (nó mới bị các chiến sĩ trong tổ khóa đuôi bắn, nhưng có lẽ đạn không nổ); lập tức, Đào Bá Đức hướng khẩu B.40 vào chiếc tàu này và tiếp tục siết cò. Tiếng nổ lớn cùng quầng lửa đỏ chụp gọn chiếc tàu. Các chiến sĩ tổ khóa đuôi cũng kịp bồi thêm hai trái B.40 nữa, khiến chiếc tàu chìm nhanh, kết liễu luôn số phận cả bốn chiếc trong đội tàu chiến giặc. Lửa và khói bốc lên bao trùm khắp một đoạn sông. Vô cùng khiếp đảm và hoảng loạn, những tên Mỹ bị đạn nổ hất tung từ trên tàu xuống sông kêu la inh ỏi và cố lóp ngóp bơi vào bờ tìm đường sống, nhưng không một tên nào thoát khỏi làn đạn bắn tỉa của các chiến sĩ ta.
Trận chiến đấu trên sông Sài Gòn giữa ban ngày chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút. Sau khi quân ta rút về căn cứ an toàn, bọn Mỹ mới kịp gọi máy bay phản lực và pháo binh bắn phá hủy diệt trận địa để… cứu đồng bọn! Hôm ấy, giặc Mỹ phải cay đắng thú nhận: cả đội tàu chiến gồm bốn chiếc của chúng đều bị Việt cộng bắn cháy và chìm; toàn bộ số sĩ quan và binh lính trên tàu bị chết.
Tập thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị K2 được Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công hạng Nhì về chiến công vang dội trong trận đánh xuất sắc này.
Trong hai năm 1968 - 1969, mặc dù hoạt động giữa vùng “Tam giác sắt” dày đặc các lực lượng địch, phải đương đầu với nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ K2 vẫn trụ vững, liên tục chiến đấu và chiến thắng. Từ trận mở đầu chặn đánh đoàn xe quân sự Mỹ, bắn cháy 8 xe tăng và 2 máy bay trực thăng ở ấp Suối Sâu, xã Phước Thạnh, K2 liên tiếp tấn công các đoàn hành quân, càn quét bằng xe tăng của Mỹ: diệt 10 xe tăng cùng bọn lính trên xe và bắn cháy 2 máy bay trực thăng ở ấp Bàu Điều; diệt 8 xe tăng và nhiều tên giặc trong đoàn xe cụm ở ấp Lộ Hòa Đông (cùng huyện Củ Chi); phối hợp với đơn vị bạn tập kích cụm xe tăng đang đậu thấp dưới mặt đất tại ấp Ba Cụm, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh,, phá hủy 25 xe, diệt nhiều lính Mỹ trong cụm xe ...
Để mở rộng địa bàn hoạt động, hỗ trợ nhân dân địa phương nổi dậy phá ách kềm kẹp, giành quyền làm chủ, K2 phối hợp với các đội du kích tấn công, tiêu diệt một số đồn bót kiên cố của địch, trong đó có bót Cầu Ván, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, - nơi tập trung những tên ác ôn khét tiếng, có nợ máu với nhân dân. K2 còn phối hợp với lực lượng võ trang địa phương tấn công, tiêu diệt đoàn “bình định” gồm 34 tên và bọn “dân vệ” của địch tại ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Thượng, Củ Chi, khi chúng đang tụ tập để bàn kế hoạch “bình định nông thôn”…
Qua mỗi trận đánh, K2 đều xuất hiện những tấm gương sáng ngời về tinh thần mưu trí, dũng cảm đương đầu với quân thù nơi đạn bom ác liệt, bám sát trận địa, quyết tâm chiến đấu đến cùng và lập công xuất sắc. Một số cán bộ, chiến sĩ không may sa vào tay giặc, dù bị chúng tra tấn hết sức dã man vẫn kiên trung, bất khuất, tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Một trong những tấm gương tiêu biểu ấy là tiểu đội trưởng Ngô Văn Huynh, tổ trưởng tổ hỏa lực của Đại đội 2, mang súng B40.
Ngày 15/10/1968, Ngô Văn Huynh được điều động tăng cường cho đội hỏa lực của tiểu đoàn để đánh đoàn xe tăng Mỹ tại ấp Cây Trôm, xã Phước Thạnh, Củ Chi. Anh cùng toàn đội chiến đấu ngoan cường, bắn cháy 12 xe tăng, diệt nhiều tên giặc, đẩy lùi các đợt tấn công của chúng. Giữa đợt đánh trả bọn Mỹ tấn công lần cuối, Ngô Văn Huynh bị thương nặng ở chân, không thể di chuyển nên không may bị lọt vào tay giặc.
Khi bắt được anh Huynh, bọn Mỹ nghĩ ngay đến cách gỡ thể diện cho quân đội Hoa Kỳ vừa bị Quân Giải phóng nện đòn đau. Mặc vết thương trên người anh Huynh chưa kịp băng bó, máu ra ướt đẫm, bọn Mỹ đưa anh tới vệ đường, rồi bâu lại la hét, chĩa súng vào anh, bắt phải khai những bí mật của đơn vị, nhưng vô hiệu. Thấy khó có thể khuất phục người chiến sĩ Quân Giải phóng, bọn Mỹ lại giở trò đe dọa khác. Chúng đưa ra lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và nói anh sẽ được sống nếu xé cờ hoặc giẫm lên lá cờ này. Không run sợ trước cái chết, anh Huynh chẳng những không làm theo ý giặc mà còn lớn tiếng lên án đế quốc Mỹ xâm lược và tố cáo tội ác của chúng. Kinh ngạc trước người chiến sĩ Giải phóng kiên cường và tức tối trước thất bại nặng nề, tối hôm ấy, trước khi rút chạy, bọn giặc hèn hạ sát hại anh.
Ngô Văn Huynh ngã xuống giữa tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ. Tấm gương chiến đấu, hy sinh của anh và một số đồng đội gây xúc động lớn đối với toàn đơn vị và nhân dân địa phương. Noi gương anh, ghi sâu lòng căm thù giặc, quân và dân đất thép Củ Chi càng quyết tâm xốc tới và chiến thắng.
Cũng như những đơn vị khác từ miền Bắc vào chi viện miền Nam chiến đấu chống Mỹ xâm lược, cán bộ và chiến sĩ K2 được đồng bào địa phương đùm bọc, thương yêu như những người ruột thịt. Bà con thân mật gọi anh em K2 là “người đằng mình”. Nhân dân các xã trong vùng bền bỉ đấu tranh chống lại âm mưu lập ấp chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, dù gian khổ, hy sinh đến đâu cũng bám ấp, bám ruộng, một tấc không đi, một ly không rời nhằm giữ vững cơ sở cách mạng, tạo địa bàn cho Quân Giải phóng hoạt động.
Nhiều xã, ấp ở Củ Chi như Phước Thạnh, Phước An, Phú Mỹ Hưng, Phú Hòa Đông, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, An Nhơn, An Phú, Đồng Lớn, Sa Nhỏ… bà con đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, dẫn đường cho bộ đội, tham gia đào công sự phục vụ chiến đấu và chăm sóc thương binh. Không ít bà con bị dồn ép vào ấp chiến lược vẫn tìm mọi cách che mắt địch để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội K2 và liên tục đấu tranh chống đàn áp, khủng bố. Có thể nói, ở ấp nào, xã nào tại vùng “Tam giác sắt” cũng có những chuyện cảm động về tình quân-dân trong lửa đạn.
Ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, không ai lạ bót Cầu Ván, xã Lộc Hưng. Đó là chốt quân sự hiểm yếu của địch nằm trên trục đường giao thông quan trọng từ Tây Ninh về Sài Gòn. Bọn Mỹ và quân đội Sài Gòn chọn những tên ác ôn khét tiếng, có nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng tới đóng tại bót này. Dưới bót, chúng xây dựng hệ thống hầm ngầm kiên cố; chung quanh rào nhiều lớp dây kẽm gai, gài mìn dày đặc. Lúc nào bót cũng được máy bay và pháo binh Mỹ yểm trợ tối đa. Đã ba lần, lực lượng võ trang địa phương của ta tấn công nhưng chưa nhổ được bót. Khi hay tin bộ đội K2 chuẩn bị đánh bót Cầu Ván, nhiều bà má rất lo ngại. Có má lắc đầu, khuyên:
- Tụi bay không đánh nổi bọn nó đâu. Hãy tính kỹ đi. Nếu muốn san phẳng bót Cầu Ván, tụi bay phải xin cấp trên đưa thêm lực lượng về và dùng pháo dập từ xa cho tanh banh bót rồi mới nhào vô được.
Chỉ vào con bò của mình đang nuôi, má Tư nói với các chiến sĩ K2:
- Gia đình má có con bò là tài sản lớn nhứt. Nếu tụi bay xóa được bót Cầu Ván, má thưởng luôn con bò này để ăn mừng!
Ngay đêm ấy (21/8/1968), các chiến sĩ K2 nổ súng tấn công bót Cầu Ván. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Toàn bộ bọn địch ngoan cố chống cự bị quân ta diệt gọn. Sau trận đánh, đề phòng Mỹ cho máy bay ném bom để xóa dấu vết thất bại, gây thiệt hại cho dân, bộ độ K2 nhanh chóng di chuyển sang xã khác, không trở lại nơi dừng chân hôm trước.
Nghe tin bót Cầu Ván bị diệt, bà con trong vùng ai cũng mừng và khen Quân Giải phóng tài giỏi. Nhớ chuyện thưởng bò, má Tư vội hối chồng đi tìm bằng được anh em K2. Giữ đúng lời hứa với bộ đội, ông Tư tức tốc dắt theo con bò, qua hết ấp này tới ấp khác, cố kiếm đơn vị K2 để tụi nó có chút ăn tươi. Nhưng giữa vùng đất thép đầy đạn bom, ta và địch đan xen nhau, trong khi đó, các chiến sĩ ta lại “đi không dấu, nấu không khói, nói không to” nên ông Tư không sao gặp được.
Hôm tấn công bọn Mỹ ở Bàu Lăng, bộ đội K2 cũng gây cho chúng thiệt hại nặng. Trận ấy, chiến sĩ Bùi Văn Chữ của đơn vị hy sinh. Giữa đêm khuya, các chiến sĩ trong tiểu đội đang chuẩn bị đưa thi hài anh Chữ ra ngoài ấp chôn cất thì má Tám tới cản lại. Má ra lệnh cho anh em:
- Tụi bay hãy đưa thằng Chữ về với má và đào hố chôn ngay trong nhà má. Nó cũng như con má, để đó má trông coi.
Thấy mấy chiến sĩ ta còn chần chừ, má Tám nói:
- Bộ tụi bay không hiểu ý má sao? Nếu chôn thằng Chữ ở ngoài ấp, mai mốt lỡ giặc càn tới, nó cho xe ủi hết trơn, sau này biết đâu tìm kiếm?
Cả đơn vị đều rưng rưng, im lặng làm theo ý má.
Có lần, một phân đội của K2 về xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, để điều nghiên, chuẩn bị kế hoạch đánh địch. Tại đây, anh em được bà con bí mật nuôi giấu cẩn thận và cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của địch rất cụ thể. Đêm bộ đội sắp rời ấp thì bị địch phát hiện. Biết các chiến sĩ ta cần rút ngay không để bị địch bao vây, nhưng lại chưa thuộc đường tránh các chốt địch đóng quân và những nơi chúng hay phục kích, ông Năm Kiêu, nông dân ấp Tầm Ninh lặng lẽ xách đèn xung phong dẫn bộ đội đi. Thấy anh em băn khoăn, lo ông có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng, ông Năm nghiêm giọng:
- Tụi bay từ miền Bắc vô đây góp phần cùng miền Nam đánh Mỹ còn không tiếc xương máu, tao và bà con sống tại đây mà không giúp tụi bay, coi sao được!
Rồi ông Năm Kiêu cũng kiên quyết ra lệnh:
- Nghe nè: tao là dân nên có thể công khai cầm đèn đi trước, anh em mình đi sau, cách xa một đoạn. Nếu đụng địch, tao ra dấu, tụi bay nằm xuống tránh đạn, còn để tao tính chặn bọn nó.
Đêm ấy, theo ánh đèn của ông Năm Kiêu, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ ta lần lượt vượt qua các trạm kiểm soát và ổ phục kích của địch, di chuyển trên chặng đường dài suốt từ ấp Đồng Lớn, huyện Củ Chi, về xóm Mới, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, an toàn.
Gần năm năm bền gan, vững chí, kiên cường bám trụ nơi cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, cán bộ, chiến sĩ K2 đã đánh thắng hàng trăm trận, chủ yếu là đánh quân Mỹ, trong đó có gần 40 trận phối hợp chiến đấu cùng các đơn vị thuộc lực lượng võ trang giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Bằng những chiến công xuất sắc, K2 - Tiểu đoàn Cát Bi để lại dấu ấn lịch sử bằng máu tại vùng “Tam giác sắt”, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Tiểu đoàn được Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhì, 5 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba và nhiều Huân chương, Huy chương các loại. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng, xe cơ giới, hoặc Dũng sĩ diệt máy bay, tàu chiến Mỹ.
Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi cùng một số bạn đồng nghiệp từng công tác tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, trở lại vùng Tam giác sắt, thăm bà con ở Củ Chi, Trảng Bàng, Dầu Tiếng, Bến Cát và mong gặp lại một số cán bộ, chiến sĩ K2 năm xưa để tìm hiểu thêm và viết tiếp về các anh. Nhưng những người tôi cần gặp chỉ còn rất ít.
Từ năm 1968 đến năm 1972, bốn lần đơn vị phải bổ sung quân. Sau đó, để phù hợp với yêu cầu tại chiến trường, đơn vị không còn giữ phiên hiệu cũ mà được tách nhỏ, nhập vào các đơn vị khác để tiếp tục chiến đấu.
Tiểu đoàn Cát Bi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang. Dù chiến tranh kết thúc từ lâu, nhưng mọi người không quên sự cống hiến và hy sinh to lớn của đơn vị tại mặt trận này: ngày rời quê hương lên đường vào Nam (16/11/1967), toàn tiểu đoàn có 650 cán bộ, chiến sĩ. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đơn vị chỉ còn gần 100 người (kể cả các chiến sĩ mới bổ sung), hầu hết đều bị thương.
Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Tiểu đoàn Cát Bi diễn ra liên tục nhiều năm sau chiến tranh cũng là sự kỳ công, đầy huyền thoại, thấm đậm tình đồng chí, đồng đội, tình người và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của những cựu chiến binh - thương binh và nhân dân địa phương.
Chỉ tính trong hơn 20 năm (từ 1987 đến 2008), phối hợp cùng các đơn vị bạn và chính quyền, nhân dân các xã vùng Tam giác sắt xưa, các cựu chiến binh Đoàn Cát Bi, chủ yếu là những người đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần phát hiện, quy tập được 1.573 hài cốt liệt sĩ các đơn vị, trong đó có 162 bộ hài cốt của liệt sĩ Tiểu đoàn Cát Bi.
Trên bức tường bia trong gian chính điện rộng lớn của Đền tưởng niệm Bến Dược tại huyện Củ Chi hiện nay, trong số 44.752 anh hùng, liệt sĩ quê ở mọi miền đất nước được trân trọng khắc ghi tên tuổi, có 574 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cát Bi.
Gần đó, tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức còn có riêng một căn nhà lưu giữ, trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật giới thiệu hoạt động và chiến công nổi bật của các liệt sĩ Tiểu đoàn Cát Bi, do Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Đoàn Cát Bi tại phía Nam và nhân dân địa phương sưu tầm.
Trong nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh cũng có ngôi mộ bia lớn, tưởng niệm tập thể các liệt sĩ Tiểu đoàn Cát Bi - những người con yêu quý của thành phố Cảng phía Bắc anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
Ngày 27/4/2012, Tiểu đoàn Cát Bi (tức Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 268, Phân khu 1, Sài Gòn - Gia Định) vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về những thành tích đặc biệt xuất sắc của đơn vị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân, lực lượng võ trang Hải Phòng và thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
C.K.T.
(Nguyên phóng viên Báo Giải Phóng,
Cơ quan TW của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam)
Tiểu đoàn Cát Bi Hải Phòng dược Nhà nước trao tặng danh hiệu
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2012.
Chú thích:
(*)CÁT BI là tên một sân bay quân sự do thực dân Pháp xây dựng tại Hải Phòng nhằm phục vụ mưu đồ khai thác thuộc địa và chiến tranh xâm lược nước ta, được chúng bảo vệ rất nghiêm ngặt. Đông-Xuân năm 1953 -1954, sân bay Cát Bi là đầu cầu hàng không chủ yếu dành cho máy bay vận tải quân sự vận chuyển binh lính, vũ khí, đạn dược, hàng hóa từ đồng bằng lên tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ. Để phối hợp với bộ đội ta lúc đó đang tấn công, bao vây quân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ, rạng sáng ngày 7/3/1954, một đơn vị bộ đội địa phương Kiến An - Hải Phòng gồm 32 cán bộ, chiến sĩ đã bí mật đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay quân sự, làm nổ tung và đốt cháy hàng chục ngàn tấn bom, đạn, xăng, dầu các loại, khiến giặc Pháp thêm khó khăn, khốn đốn.
Chiến thắng Cát Bi góp phần quan trọng cùng quân và dân ta giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Với chiến thắng Cát Bi vang dội, quân và dân Kiến An - Hải Phòng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi. Đơn vị trực tiếp tham gia trận đánh vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “Đoàn Dũng sĩ Cát Bi” và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.
Năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hải Phòng thành lập nhiều tiểu đoàn bộ binh chi viện chiến trường miền Nam, góp phần chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Tiểu đoàn 342, một trong các tiểu đoàn nói trên (gồm hầu hết là con em của Hải Phòng) được Thành ủy, Ủy ban Hành chính thành phố đặt tên “Cát Bi” nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống “Dũng sĩ Cát Bi” vẻ vang của quê hương, quyết tâm chiến đấu và lập công xuất sắc nơi tiền tuyến./.
***
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ