Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 08/07/2021
LÀM ĐIÊU KHẮC
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
Trần Nhã
Năm 1963, tôi vừa tròn 14 tuổi, học hết lớp Nhứt, tôi xin bà ngoại và mẹ cho tôi đi kháng chiến. Gia đình đồng ý, tôi được các chú lãnh đạo nhà in Lý Tự Trọng Khu ủy khu 8 nhận vào nhà in. Lúc bấy giờ, nhà in đóng bí mật ở rừng tràm Tân Hòa Đông thuộc huyện Tuyên Nhơn, tỉnh Kiến Tường. Ban đầu, các chú cho tôi học nghề xếp chữ và trả chữ vào khuôn, dần dần tay nghề khá lên, các chú lại cho học làm thợ sửa bản in (mo-rát) và sau đó học thêm nghề điêu khắc. Vì ham học và ham làm việc, qua nhiều năm tay nghề của tôi ở các lĩnh vực trên ngày một tiến bộ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; được các chú, các anh chị trong nhà in thương mến.
Từ năm 1963 đến năm 1965, ở nhà in lúc bấy giờ công nhân xếp chữ, sửa bản in, thợ đứng máy in… ngày được đào tạo thêm nhiều, do yêu cầu in ấn truyền đơn, tài liệu, sách báo phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ lên đến đỉnh cao. Riêng lĩnh vực nghề điêu khắc, lúc bấy giờ chỉ có ba người: anh Nguyễn Bé – tổ trưởng, anh Trần Chính và tôi. Anh Nguyễn Bé vừa làm nhiệm vụ điêu khắc vừa dạy nghề lại cho anh Trần Chính và tôi; không bao lâu tay nghề của chúng tôi khá lên; ba anh em chúng tôi chia nhau khắc tất cả các loại tranh lớn nhỏ mà các họa sĩ vẽ trong kháng chiến để làm măng-sét báo, minh họa cho các bài viết, cho các chuyên mục, chuyên đề… in trên báo Giải Phóng khu 8 và in trên các loại sách phát hành trong vùng giải phóng. Đặc biệt là khắc nhiều loại tranh cổ động cỡ lớn, in chồng nhiều màu với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, để phát hành, niêm yết ở các phòng thông tin trong vùng giải phóng và vùng ven trên địa bàn 7 tỉnh khu 8.
Những họa sĩ đã vẽ tranh cho chúng tôi điêu khắc lúc bấy giờ gồm có: Nguyễn Đức Trung, Châu Hồ, Huỳnh Đảnh, quê đều ở Mỹ Tho; Phi Sơn, Thanh Châu quê ở An Giang; Phương Trực quê ở Bến Tre; Quang Bộ quê ở Yên Bái và Huỳnh Phương Đông quê ở Sài Gòn.
Dụng cụ, đồ nghề điêu khắc chúng tôi đều tự chế tạo. Dao khắc có hai loại: lưỡi nhọn và lưỡi bầu làm bằng lưỡi cưa sắt bằng thép. Đục to, đục vừa, đục nhỏ, đục dũm các loại đều được chế từ các lưỡi đục lớn mà thợ mộc thường dùng. Com-pa, viết chì, cục gôm, giấy po-luya trắng dùng để scan hình, giấy nhám và đá bùn các loại để đánh láng mặt gỗ… cũng đều nhờ các mẹ, các chị ra thành mua về. Gỗ dùng để điêu khắc thì nhiều loại, nhưng muốn có tác phẩm điêu khắc sắc sảo thì phải dùng gỗ cây lồng mứt; loại cây này mọc tự nhiên trong vườn nhà dân, phải quan hệ với dân để xin về, dùng cưa xẻ phách ra phơi khô, cất vào kho sử dụng dần. Đặc tính loại gỗ này có sớ nhuyễn, mịn, hơi mềm và rất dẻo, có màu trắng nên rất phù hợp để làm gỗ điêu khắc.
Đến giữa năm 1965, tình hình chiến tranh khá ác liệt, anh Nguyễn Bé hy sinh, tổ điêu khắc chỉ còn lại anh Trần Chính và tôi; nhà in lúc bấy giờ phải dời từ rừng tràm Tân Hòa Đông về kinh Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Cuối tháng 10/1966, lại tiếp tục dời về căn cứ B3 ở xã Khánh Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ổn định đến cuối năm 1969. Thời gian này, song song với khắc tranh để in sách báo phát hành trong vùng giải phóng, tôi và anh Trần Chính còn được giao thêm nhiệm vụ khắc lại các măng-sét trang nhất của các báo ở Sài Gòn đã phát hành như: Tia Sáng, Tin Sáng, Điện Tín, Ngôn Luận và sử dụng trang hai của các tờ báo này in tráo các nội dung tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Khi in xong, xếp lại và xé đôi từng trang ra và nhúng rìa mực tím để trở thành báo cũ, đưa báo ngược vào nội thành qua con đường gói đồ mua bán ở các chợ trong vùng địch tạm chiếm, nhằm truyền bá tư tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân một cách hợp pháp. Việc in báo trá hình kiểu này của chúng tôi, đã làm cho nhiều nhật báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ bị chính quyền Ngụy đóng cửa; còn bọn kiểm duyệt báo chí ở Sài Gòn thì luôn đau đầu, nhức óc, không biết đâu mà lần. Ngoài việc đưa nội dung tuyên truyền của cách mạng vào các báo như đã nói trên, chúng tôi còn khắc bìa, in lại nội dung các sách như: Lục Vân Tiên, Đôi mắt huyền, thơ Nàng Út và đưa nội dung tuyên truyền của cách mạng vào các trang ruột của các loại sách này và đưa ngược vào nội thành.
Việc in sách, báo tráo kiểu này ta làm rất nhiều năm và rất hiệu quả; nhất là sau năm 1968, chúng tôi còn in cả chính sách mười điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên trang hai của báo Tia Sáng với số lượng hàng chục ngàn bản, đưa ngược trở vào nội thành trót lọt; nội dung mười điểm này đã vào tận nhà dân và nhà của nhiều sĩ quan, công chức, viên chức, ngụy quân, ngụy quyền ở các tỉnh khu 8 và lan ra các tỉnh thành khác ở miền Nam; nó cũng đã vào tới nhà bếp của Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn theo con đường quý bà nội trợ đi chợ mua đồ mang về.
Có thể khẳng định rằng, đây là một sáng kiến độc nhất vô nhị của nhà báo Lê Chí Nhân mà ông Ngô Công Đức, tôi, anh Trần Chính, Nguyễn Dũng, Vũ Bốn, Nguyễn Hùng… là những người tổ chức thực hiện. Ông Lê Chí Nhân là người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm báo kiểu này từ lúc còn công tác ở Bến Tre, sau đó, ông về khu làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 8, trưởng tiểu ban báo chí khu. Ông còn có biệt danh là ông “Tư Trời Biển”. Ngoài công tác lãnh đạo Tuyên huấn và quản lý báo chí trong chiến khu, ông còn nghiên cứu, lợi dụng mục “Tư Trời Biển” có sẵn trên báo Điện Tín phát hành ở Sài Gòn; lâu lâu ông viết bài chọt be sườn non chính quyền Sài Gòn với các nội dung thích hợp, giao bài cho cô Hoài Xuân - giao liên công khai thuộc Tiểu ban báo chí khu 8 mang đến tòa soạn báo Điện Tín nhờ đăng; xem lại nội dung, tòa soạn thấy được cho đăng ngay; vậy là ta đã đạt yêu cầu.
Ngoài việc điêu khắc măng-sét các báo và sách ở Sài Gòn, để đưa nội dung tuyên truyền của cách mạng vào nội thành, tôi còn được lãnh đạo giao thêm nhiệm vụ biệt phái sang B70 (An ninh khu 8) bí mật khắc các con dấu của chính quyền ngụy Sài Gòn các cấp và các con dấu của chính quyền hoàng gia Campuchia, để Ban An ninh khu 8 cấp giấy thông hành hợp pháp cho cán bộ ta ra vào nội thành ở miền Nam và thủ đô Phnôm-Pênh, bảo đảm an toàn cho đến 30/4/1975 toàn thắng.
***
Không biết nghề điêu khắc đã có tự bao giờ, nhưng nó luôn tồn tại và không ngừng phát triển đến hôm nay. Những tác phẩm điêu khắc do con người làm ra nó vẫn hiển hiện trong đời sống xã hội, hiển hiện trong các cung đình, chùa chiềng, miếu mạo, đền thờ, nhà cổ,… trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta cũng đã nghiên cứu và ứng dụng một cách tài tình nghề điêu khắc để khắc các loại tranh cổ động, in ấn trên các tài liệu, báo chí phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền trong vùng giải phóng; đồng thời ta cũng ứng dụng nó vào việc khắc các măng-sét của báo chí Sài Gòn để in và đưa nội dung tuyên truyền của ta lan tỏa rộng rãi trong vùng địch tạm chiếm; khắc cả các con dấu của chính quyền ngụy Sài Gòn và chính quyền Campuchia nhằm cấp các loại giấy thông hành y như giấy thật của địch, để cán bộ ta có thể công khai, ra vào nội thành, xây dựng, củng cố và phát triển cơ sở cách mạng một cách đường hoàng mà kẻ địch không hề hay biết cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
T.N.
(Công nhân nhà in Lý Tự Trọng)
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ