Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 06/07/2021
“LO TRƯỚC, VUI SAU”
Phan Văn Hoàng
“Tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho Việt Nam”*, Bác Hồ đã nói như vậy với nhà báo Ôxip Manđenxtam năm 1923. Khi lên 5, 6 tuổi, Bác Hồ đã bắt đầu học “chữ thánh hiền”. Người thầy đầu tiên không ai khác hơn là cụ Nguyễn Sinh Sắc (đỗ Cử nhân năm 1894, đỗ Phó bảng năm 1901). Do đó, trong nhiều bài nói và viết sau này, Bác Hồ hay trích dẫn các tác phẩm kinh điển Nho giáo hay các trước tác của các nhà Nho xưa.
Đặc biệt, chúng tôi phát hiện một điều thú vị: đó là Bác Hồ nhắc đến tư tưởng “Tiên ưu, hậu lạc” (lo trước, vui sau) của tiền nhân ít nhất 14 lần :
1. Trong thư gửi thanh niên ngày 17/9/1947, Bác viết: “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).
2. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc (viết năm 1947, xuất bản năm 1948), Bác khuyên cán bộ, đảng viên phải “sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ”.
3. Tại lớp chỉnh huấn của các nhân sĩ và trí thức công tác tại các cơ quan trung ương ngày 7/8/1953, Bác nói: “Có câu tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc, nghĩa là lo trước dân, vui sau dân (...). Cái gì khó khăn cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước”.
4. Tại buổi bế mạc lớp chính huấn cán bộ trí thức ngày 26/9/1953, Bác nhắc nhở: “Cán bộ trí thức thì cần phải làm gương, phải tiên ưu hậu lạc”.
5. Trong bài “Đạo đức cách mạng” (báo Nhân dân ngày 26/6/1955), Bác nhấn mạnh : “Trước phải nâng cao mức sống nhân dân, rồi mới nâng cao mức sống của cá nhân mình. Tức là: lo thì trước thiên hạ, hướng thì sau thiên hạ”.
6. Tại lớp nghiên cứu chính trị (khóa 1) Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 21/7/1956, Bác khuyên phải “phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nói một cách khác, tức là tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.
7. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7/5/1958, Bác nói: “Ta có câu nói: Có khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau; làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau”.
8. Trong bài Đạo đức cách mạng (tạp chí Học tập tháng 12/1958), Bác khuyên cán bộ, đảng viên “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ”.
9. Ngày 16/3/1961, Bác nhắc nhở cán bộ và công nhân nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng): “Phải xung phong, gương mẫu trong mọi lúc, mọi công việc, phải thực hiện phương châm khổ trước, sướng sau”.
10. Tại Hội nghị bàn về việc học tập Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 3/1961), Bác nói: “Chở nên ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau (…). Phải chí công vô tư và có tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Đó là đạo đức của người cộng sản”.
11. Ngày 9/12/1961, Bác nhắc nhở các cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm: “Lúc khổ sở khó khăn thì đảng viên đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau” và nhấn mạnh: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc chứ không phải tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”.
12. Ngày 22/9/1962, Bác dặn dò cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tham dự Hội nghị toàn miền Bắc: “Gian khổ thì đi trước, hướng thụ sau mọi người”.
13. Ngày 21/10/1964, Bác khuyên cán bộ và học sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội “phải có chí khí cao thượng, phải tiên ưu hậu lạc, nghĩa là khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”.
14. Nhân kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng, trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Bác khen ngợi nhiều cán bộ, đảng viên “đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng lợi đi sau”.
Tư tưởng “tiên ưu hậu lạc” nguyên được diễn đạt trong câu:
Tiên thiên hạ chi ưu nhị ưu 先天下之忧而忧
Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 后天下之乐而乐
(Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ)
ở cuối bài “Nhạc Dương lâu ký” 岳陽樓記 (bài ký về lầu Nhạc Dương) của Phạm Trọng Yêm.
Phạm Trọng Yêm (989 - 1052) tự là Hy Văn, sống vào đời Bắc Tống. Đỗ tiến sĩ năm 1015, làm các chức quan: bí các hiệu lý, viên ngoại lang Bộ Lại, khu mật phó sứ… Năm 1043 (năm Khánh Lịch thứ ba), ông kiến nghỉ 10 điều cải cách (như chỉnh đốn bộ máy quan lại, khuyến khích việc làm ruộng nuôi tằm, giảm nhẹ lao dịch, xây dựng lại quân đội…). Vua Tống Nhân Tông chấp thuận, hạ chiếu thi hành những kiến nghị đó (gọi là Khánh Lịch tân chính). Khi qua đời, ông được truy tặng chức thượng thư Bộ Binh và được ban tên thụy là Văn Chính.
Tư tưởng “Tiên ưu, hậu lạc” của Phạm Trọng Yêm từ lâu đã được các nhà Nho Việt Nam tán thành. Chẳng hạn:
+ Nguyễn Trãi (1380 - 1442):
- Bình sinh độc bão tiên ưu chí
Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)
(Bình sinh lo trước riêng ôm chí
Thức khoác chăn ngồi đến sáng trơ)
(Khương Hữu Dụng dịch)
- Hậu lạc tưởng tri chung hữu ý,
Hảo tương sự nghiệp bách niên khan
(Thú vận Trần thượng thư đề Nguyễn bố chính thảo đường)
(Biết là có ý vui sau đó,
Sự nghiệp trăm năm hãy ngắm coi)
(Khương Hữu Dụng dịch)
+ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585):
- Lão lai vị ngải tiên ưu chí,
Đắc táng cùng thông khởi ngã ưu
(Tự thuật)
(Lo trước đến già luôn giữ chí
Cùng, thông, được, mất chẳng lo riêng)
(Phan Nam Dương dịch)
- Tất cánh dục cầu ngô lạc xứ
Tri ngô hậu lạc tại tiên ưu
(Ngụ hứng)
(Muốn biết ta vui là ở chỗ
Vui sau nhờ biết trước lo rồi)
(Phan Nam Dương dịch)
Nhưng Bác Hồ là người nhắc đến tư tưởng “tiên ưu, hậu lạc” nhiều lần nhất. Điều đó cho thấy Bác rất tâm đắc với tư tưởng ấy và mong muốn mọi người - từ cán bộ, đảng viên đến trí thức, thanh niên - đều thực hành tư tưởng âý.
Trong thực tế, hàng chục triệu người đã làm theo điều mong mỏi của Bác trong chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng Đất nước. Biết bao tấm gương tiên phong quên mình, hi sinh quyền lợi riêng để phục vụ nghĩa lớn. Nếu ai cũng chỉ biết “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, tránh gian khổ, tìm hưởng thụ thì làm sao kháng chiến thắng lợi, cách mạng thành công được?
Ngày nay, nước nhà đã độc lập tự do, non sông liền một dải, công cuộc xây dựng xã hội mới ngày càng văn minh, giàu mạnh đòi hỏi mọi người - nhất là đội ngũ cán bộ - phải nung nấu tinh thần “lo trước dân, vui sau dân”.
P.V.H.
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ
- TẤM LÒNG NHÀ BÁO PHAN NGỌC HIỂN (*)