Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 08/07/2021
MÃI MÃI NHỚ CÁC ANH, CÁC CHỊ
Nhà báo Trần Thanh Phương
Không biết trên thế giới có nước nào có nhiều nhà báo hy sinh cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc như nước ta? Nếu có chắc không nhiều.
Cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, lớp nhà văn, nhà báo của Cách mạng tháng tám đã tự nguyện ra chiến trường, có thể nhận bất cứ sự hy sinh nào kể cả cái chết.
● Trước hết, xin nhắc tới nhà báo, nhà thơ Trần Mai Ninh (1917-1947), quê Thanh Hóa. Ngay khi còn là học sinh Collège ở Thanh Hóa, anh đã cùng vài người bạn trong lớp ra tờ báo Con Sáo để phê phán một cách tế nhị những thói hư tật xấu của một vài người trong trường hay phỉnh nịnh, ngợi ca chính phủ “bảo hộ” và nền giáo dục thực dân. Sau khi tốt nghiệp bậc Thành chung, anh ra Hà Nội học và tại đây, anh được giác ngộ cách mạng rồi tham gia nhóm nghiên cứu Mác-xít. Anh viết bài và làm biên tập cho nhiều tờ báo tiến bộ lúc bấy giờ như báo Bạn Dân, báo Thời Thế (1937), báo Tin Tức, báo Thế Giới (1938); sau đó anh tiếp tục viết cho báo Bạn Đường – một tờ báo tiến bộ ở Thanh Hóa.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Trần Mai Ninh hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc ở Bình Định và Quảng Ngãi, viết nhiều bài báo và làm thơ, trong đó có bài Nhớ máu và bài Tình sông núi, để lại dấu ấn khó quên cho người đọc.
Năm 1947, trên đường đi công tác tuyên truyền địch hậu tại vùng Nam Trung Bộ, Trần Mai Ninh bị giặc Pháp bắt và giết anh giữa tuổi ba mươi.
● Một nhà báo, nhà thơ cùng thời với Trần Mai Ninh là Hoàng Lộc (1922-1947). Anh là phóng viên báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân) và báo Quân du kích. Bạn đọc biết anh qua bài thơ Viếng bạn.
Hoàng Lộc mất ngày 29/11/1949 tại Quế Trạo, Vĩnh Yên. Báo Vệ quốc quân số 58 và 59 tháng 12/1949 trân trọng đăng cáo phó:
“Anh Hoàng Lộc là nhà văn, nhà báo. Ngay sau khi nổ tiếng súng toàn quốc kháng chiến, anh đã gia nhập bộ đội với công tác chuyên môn trong tòa soạn báo Xông pha (khu 12 cũ), rồi báo Bắc Sơn, Liên khu 1 và sau này là báo Vệ quốc quân Trung ương.
Thu đông năm 1947, anh đã không quản gian lao vất vả theo những đơn vị bộ đội chiến đấu trên đường số 4 để làm nhiệm vụ một phóng viên nhà báo và đã viết được thiên phóng sự Chặt gọng kìm đường số 4, trong đó có bài Viếng bạn chan chứa tình yêu và căm thù của một trung đội trưởng khóc một chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh…
Anh Hoàng Lộc là một thanh niên hứa hẹn rất nhiều triển vọng. Chẳng may anh mất đi, thật là một thương tiếc lớn!”.
● Cùng làm việc chung với Hoàng Lộc ở báo Vệ quốc quân, Trần Đăng (1921-1949) là một cây bút như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhận xét: “Cái ngòi bút vừa lạnh, vừa nồng nàn, vừa âm vang tiếng sắt thép mà đầy ắp tinh thần Vệ quốc quân hiên ngang, chăm chỉ, thực bộ đội, rất chính quy, tôi chưa được đọc ai như thế”.
Những suy nghĩ, những dự định của một nhà báo, một nhà văn 28 tuổi đã đột ngột dừng lại bởi chiến tranh, đó là Trần Đăng. Anh hy sinh ngày 26/12/1949 trong chuyến công tác cùng một tiểu đoàn chủ lực. Cuộc đời chiến đấu của anh là một cuộc đời đẹp. Đời văn, đời báo của anh để lại không nhiều tác phẩm, chỉ vẻn vẹn chưa tròn 100 trang sách.
● Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình (1917-1950) dành thời gian cho sáng tác văn học không nhiều. Người đọc chỉ nhận ra anh của Tống biệt hành, của Trường ca, của Vọng nhân hành.
Thâm Tâm sinh ra trong một gia đình tiểu thị dân nghèo. Là con thứ ba trong một gia đình đông con, học hết tiểu học phải ở nhà giúp gia đình đóng sách và nấu bánh kẹo. Sau đó, anh lên Hà Nội kiếm sống bằng cách vẽ tranh Bờ Hồ.
Thâm Tâm làm thơ không nhiều. Số lượng chỉ đủ để in một tập mỏng. Nhưng có nhà phê bình đã viết: “Vị trí của Thâm Tâm đối với thơ mới có cái gì na ná như Thôi Hiệu đối với thơ Đường. Nếu chọn mười nhà thơ Đường lớn nhất, chưa chắc đã có Thôi Hiệu, nhưng nếu chọn mười bài thơ Đường hay nhất, không thể không có Hoàng hạc lâu. Nếu kể tên mười nhà thơ mới lớn nhất ở Việt Nam không chắc có Thâm Tâm, nhưng chọn mười bài thơ mới hay nhất khó có thể bỏ qua Tống biệt hành. Thi phẩm là sự thăng hoa đột xuất của ngòi bút Thâm Tâm. Ta hãy đọc lại một đoạn trong bài thơ hay đó:
Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng.
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình, một dửng dưng…
Anh dành thời giờ chăm lo tờ báo quân đội và chăm sóc phong trào văn nghệ quần chúng toàn quân. Đó là báo tường, bích báo, tập san như: Quân du kích, Quân đại phương, Tiếng súng kháng chiến, Tin sông Đà, Vệ quốc quân các liên khu, Vui sống, Anh dũng, Quân nhân họa báo (do nhà văn Nguyễn Công Hoan chủ trì), rồi Việt Bắc quyết chiến, Chiến đấu, Quân Bạch Đằng, Chiến sĩ, Thủ đô xông pha.
Thâm Tâm mất năm anh 33 tuổi, trước khi được thấy một chiến thắng lịch sử: Chiến thắng Biên giới.
● Cũng như nhiều đồng nghiệp cùng lứa tuổi, anh Thôi Hữu (1919-1950) đến với cách mạng như một lẽ sống, ôm ấp tình yêu văn chương và lấy nghề báo như một công cụ hoạt động đắc dụng nhất. Là một cây bút chủ lực của tờ Vệ quốc quân và tờ Sự thật, cơ quan trung ương của Đảng ta; những năm ở Việt Bắc, ngòi bút của Thôi Hữu đã đi vào lĩnh vực của đời sống kháng chiến.
Trong ký ức của những người đương thời, hình ảnh của Thôi Hữu là một con người đẹp với tất cả ý nghĩa của từ này. Sau khi anh hy sinh, trong bài báo đầy tâm huyết và xúc động Thuong nhớ Thôi Hữu (tạp chí Văn nghệ số 35/1950), nhà báo Thép Mới đã cho chúng ta gặp lại một con người như thế: “Một con người từng trải mà hiền hậu, sâu sắc mà độ lượng, lúc nào cũng hăm hở thèm đi, thèm viết, lấy viết để phụng sự cách mạng, con người ấy được khẳng định là một nhân cách đặc biệt của làng văn, làng báo lúc ấy”.
Nhà thơ Tố Hữu thường nhắc lại những kỷ niệm của anh về Thôi Hữu hai mươi tuổi. Bấy giờ vào khoảng năm 1942, Tố Hữu vượt ngục về Huế, đương bị lùng bắt ráo riết. Khi đến cầu Thượng Tứ gặp một chàng thanh niên “quần áo xanh, râu xanh xanh”, lông mày rậm, ai như người quen cũ? Chàng thợ điện Thôi Hữu đưa Tố Hữu về nhà mình ẩn trốn. Và khi Tố Hữu bắt được mối lại lên đường, hai chàng thanh niên ôm lấy nhau trước khi từ giã. Thôi Hữu rút ba chục bạc, chia cho bạn một nửa tháng lương của mình.
Cuối năm 1943, Thôi Hữu được gia nhập vào hàng ngũ những người cộng sản Đông Dương và bỏ Huế ra Bắc hoạt động. Vào giữa năm 1944, anh bị bắt ở Hà Nội và bị giam ở Hỏa Lò. Sau đó cùng một số người khác vượt ngục. Anh tiếp tục hoạt động ở ngoại thành phía Tây Hà Nội, trong Ban Thành ủy.
Năm 1849, trong chiến dịch Đông Bắc, Thôi Hữu đã một lần suýt chết với Trần Đăng.
Vào tháng chạp năm 1950, giữa mùa đông giá rét ở Việt Bắc, một sự cố rủi ro đến không ngờ cắt ngang đời anh, làm dang dở những dự tính, hoài bão và những trang viết của anh. Anh đang trên đường vào chiến dịch Trung du, đến đoạn đường thuộc xã Giang Tiên (Thái Nguyên) thì gặp máy bay địch bắn phá. Anh cùng đoàn cán bộ đã ẩn náu và thoát nạn. Máy bay đã bay đi. Bất ngờ có một con ngựa vì quá sợ đã lồng lên vừa chạy vừa hí. Máy bay quay lại. Và thế là anh trúng đạn gãy một chân và một tay. Trong điều kiện lúc đó không có thuốc men và cũng không có ai băng bó; khi quân dân xã đưa anh vào đến bệnh viện dã chiến thì sức anh đã kiệt. Đó là ngày 16/12/1950.
Dù chỉ nhắc lại đôi nét của một vài cây bút báo chí thời kháng chiến chín năm, ta cũng đủ thấy tài năng của những bậc đàn anh trong nghề báo như thế nào. Nếu được kể thêm thì Nam Cao và Nguyễn Văn Nguyễn là hai cây viết sắc sảo của báo Cứu quốc Trung ương và báo Cứu quốc Nam Bộ.
● Nguyễn Văn Nguyễn quê ở Mỹ Tho, viết nhiều trên các báo Cứu quôc, Thống nhất, Lá lúa, Nghiên cứu, Kinh nghiệm, Tuyên truyền và Đài Tiếng nói Nam Bộ. Anh thuộc lớp chiến sĩ cộng sản năm 1930, là nhà báo, nhà văn, nhà phê bình văn học có tên tuổi trước Cách mạng tháng Tám, mà cuốn Tháng Tám trời mạnh thu dày ngót 500 trang của anh là tiêu biểu. Tiếc rằng anh đã ngã xuống tại Nam Trung Bộ trên đường ra Việt Bắc theo điều động của Trung ương.
● Ít người biết tới nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) phụ trách Thông tấn xã Việt Nam, là một trong những nhà báo đầu tiên hy sinh anh dũng trên chiến trường vào năm 1947.
● Và gần kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà báo Nguyễn Đức Hoằng từ phóng viên mặt trận trở thành Phân xã trưởng Thông tấn xã Giải phóng tại Lộc Ninh, thủ đô kháng chiến của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sáng ngày 6/8/1974, địch huy động hơn 40 lượt máy bay đến bắn phá Lộc Ninh. Nguyễn Đức Hoằng nhường cho anh điện báo viên xuống hầm trước. Đúng lúc đó một mảnh bom đã găm trúng tim Hoằng. Anh hy sinh ngay tại cửa hầm.
● Ở thành phố Hồ Chí Minh, quận Bình Thạnh có con đường và chiếc cầu mang tên Bùi Đình Túy (1915-1967), phóng viên ảnh thời kháng chiến chống Pháp, ít ai biết anh là nhà báo, là Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Năm 1967, trên đường đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam tại Bình Phước, anh đã hy sinh.
● Nhà báo Trần Ngọc Đặng (1945-1967) cũng thuộc cơ quan Thông tấn xã Giải phóng hy sinh ngày 8/3/1967 ở Tây Ninh trong trận càn Junction City. Tại trận chiến đấu không cân sức này, anh đã dùng súng AT tăng bắn cháy hai xe tăng Mỹ, nhưng lực lượng của địch quá đông, chúng tập trung xe tăng vây chặn anh, bắn anh bị thương rồi dùng xe tăng, xe bọc thép vùi lấp, chôn sống anh ngay tại chiến hào. Trần Ngọc Đặng được truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”.
Những nhà báo miền Bắc vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ, trên đường hành quân vào miền Nam, chắc không ai không biết hai nhà báo tên tuổi Dương Tử Giang và Vũ Tùng.
● Ngày 1/2/1956, trong cuộc vượt ngục của gần 500 tù nhân ở Trung tâm Chỉnh huấn Biên Hòa, nhiều người không thoát được. Địch bắn chết 17 người, trong đó có nhà báo Dương Tử Giang. Anh tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ, sinh năm 1915, rời quê hương Giồng Trôm, Bến Tre, lên Sài Gòn từ năm 1943. Anh tham gia viết báo từ năm 1945 với nhiều bút danh khác nhau. Dương Tử Giang còn có khả năng trình diễn văn nghệ: anh rất rành các làn điệu ca Huế, các điệu lý, cải lương.
● Còn Vũ Tùng (1917-1966), bị địch phát hiện địa đạo của ông cùng nhà báo Hương Ngô và nữ nhà báo Thu Tâm tại vùng Tam giác sắt Củ Chi – Bến Cát – Bình Dương. Chúng ném lựu đạn hóa học xuống, Vũ Tùng và hai nhà báo trẻ hy sinh. Đó là ngày 1/1/1966. Năm đó Vũ Tùng 49 tuổi.
Để giữ bí mật cho địa điểm khu căn cứ, tin về cái chết của ông và hai nhà báo cũng lặng lẽ như sự hy sinh của soạn giả Trần Hữu Trang và một số liệt sĩ khác, chưa được công bố ngay. Phải nhiều tháng sau, tin trên mới được truyền đi.
Vũ Tùng là chủ tịch Hội nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam. Sau đó được bầu làm Phó chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo OTJ.
Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Dương Tử Giang ở quận 5, và đường Vũ Tùng, quận Bình Thạnh.
… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng trăm nhà báo hy sinh. Trong sách Chân dung các nhà báo liệt sĩ xuất bản năm 1999, cho biết: “Chỉ riêng ngành Thông tấn xã, trong danh sách truy tặng đợt đầu đã có 119 nhà báo liệt sĩ”. Riêng trong chiến dịch Mậu Thân 1968, miền Nam có hơn 40 cán bộ Thông tấn xã Giải phóng hy sinh thì Sài Gòn và vùng Long An có 12 người.
Cuối cùng chúng tôi xin nhắc tới các anh các chị nhà báo, nhà văn, nhà thơ đã hy sinh trên chiến trường miền Nam mà tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là: Lê Đoan, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Lê Vĩnh Hòa. Đó là những con người đã một thời kết bạn thân với các chiến sĩ, anh hùng, để có những tiếng nói hạt lúa, củ khoai, những tâm hồn cách mạng trong sáng y như những trang viết của họ.
Trân các nghĩa trang liệt sĩ ở nước ta, hầu như không có nghĩa trang nào không có nhà báo đang yên nghỉ. Họ nằm xuống giữa lúc ngòi bút đang dồi dào sức phát triển. Họ nằm xuống giữa những năm tháng lạ lùng và sôi động nhất của thế kỷ hai mươi.
Các anh, các chị từ giã tập thể, từ giã bạn đọc đã nhiều chục năm rồi nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ mãi các anh, các chị, những đồng nghiệp đáng kính trọng của thế hệ làm báo hôm nay.
NB Trần Mai Ninh NB Hoàng Lộc NB Trần Đăng
NB, NT Thâm Tâm NB Thôi Hữu NB Nguyễn Văn Nguyễn
NB Dương Tử Giang NB Vũ Tùng
NB Bùi Đình Túy
T.T.P.
Tạp chí Nghề báo số 69, tháng 7/2008.
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ