Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 06/07/2021
MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
Hồng Điểu
Bác Hồ thường nhắc chúng ta về vấn đề “Gốc”:
* “Nước lấy dân làm gốc” (Mười hai điều răn, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 409).
* “Cũng như sông, phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 291).
* “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 309).
Như vậy, chỉ một từ “gốc”, nhưng Bác đã vận dụng ở mọi lĩnh vực, từ cơ sở của sự nghiệp cách mạng là nhân dân, đến hệ thống giá trị tinh thần cần cho sự tu dưỡng của mỗi con người cán bộ.
Riêng trong lĩnh vực “cán bộ và công tác cán bộ”, Bác đã khẳng định: vai trò cán bộ là “nhân tố gốc của mọi việc”. Nói cách khác, chính đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, do Đảng, Bác xây dựng, đào tạo, là “dây chuyền tải” của bộ máy nhà nước. Đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương, kế hoạch của nhà nước, nếu không có đội ngũ cán bộ chuyển tải, tổ chức thực hiện thì cũng chỉ nằm trên giấy. Cho nên vai trò cán bộ là “nhân tố gốc” của mọi công việc quản lý, điều hành xã hội, giành thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Chế độ ta có vững vàng phát triển được hay không, đem lại được ấm no cho dân, cường thịnh cho nước hay không, thì vấn đề cán bộ có ý nghĩa rất quyết định.
Khi nói về “phẩm chất là gốc của người cán bộ”, Bác nhấn những nội dung gần gũi mà ai cũng đã từng trải nghiệm trong đời: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư… Hệ thống giá trị đó vừa là truyền thống dân tộc, vừa là tiêu chuẩn cho những ai nguyện trung thành với lời thề: suốt đời phụng sự nhân dân. Bác nói: “Đạo đức cách mạng không phải thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”( HCM toàn tập, tập 5, trang 291).
Hơn nữa, Bác không hề quan niệm chỉ xây dựng đạo đức đơn thuần, mà Bác luôn nói song song hai mặt: “Đức đi đôi với Tài’. Bác so sánh rất hình tượng, dễ nhớ: Cán bộ cách mạng, nếu chỉ có Đức mà thiếu Tài thì như ông bụt trong chùa, không ích lợi gì cho ai. Đương nhiên, nếu có Tài mà thiếu Đức thì tai họa cho sự nghiệp cách mạng là khôn lường. Vì con người đó rốt cuộc chỉ là sâu mọt, thậm chí phản bội lại quyền lợi dân tộc, quyền lợi nhân dân.
Có một giai thoại lý thú về một bài báo của Bác viết vào lúc cuối đời, kỷ niệm sinh nhật Đảng 3 tháng 2 năm 1969. Bài báo chỉ ngắn khoảng 2 trang giấy, nhưng đã đề cập đến vấn đề cán bộ rất sâu sắc. Lúc đầu Bác đặt tựa bài báo là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Khi đưa ra lấy ý kiến của các đồng chí Trung ương, đa số đề nghị Bác đảo lại thứ tự, thành Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; tức đưa nội dung xây dựng phẩm chất cách mạng lên trước vế chống các khuyết tật của con người chỉ biết lo cho mình. Bác chấp hành ý kiến của đa số, sửa lại tựa đề bài báo. Thế nhưng trong phần kết bài viết, Bác vẫn giữ thứ tự như trong bản thảo ban đầu: Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật.
Tại sao như vậy? Bác không có lời giải thích. Nay Bác đã đi xa. Ai có thể đoán được ý định sâu xa của Bác trong khi giữ lại thứ tự, đưa vế “Kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” lên trên vế “Nâng cao đạo đức cách mạng”.
Thực tiễn cách mạng trong hơn 50 năm qua, - kể từ Di chúc Bác năm 1969, và bài báo đặc biệt nhân ngày thành lập Đảng 3 tháng 2 1969 - đã diễn ra như thế nào?
Khi Đảng cầm quyền, một số người do Đảng đưa vào hệ thống chính trị, đã có những biểu hiện “tự diễn biến” rất nguy hiểm. Một số người đó, -“một bộ phận không nhỏ”, - như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016 phân tích, đã “phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”, một số vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…”. Tình hình đó đã “làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”(Nghị quyết Đại hội Đảng XII - 2016).
Rõ ràng, chủ nghĩa cá nhân, khi có điều kiện phát triển trong cán bộ cầm quyền, đã gây tác hại không nhỏ đến sự tồn vong của chế độ.
Hơn 90 năm sau ngày thành lập, 75 năm sau khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền (sau Cách mạng Tháng Tám 1945), - trong đó có hơn 45 năm kể từ sau ngày Toàn thắng 30/4/1975, - đội ngũ cán bộ Đảng mấy thế hệ đã nối tiếp nhau cầm quyền… Nhưng mối ưu tư của Bác khi Đảng Cộng sản trở thành “Đảng cầm quyền”, đã luôn day dứt Bác đến lúc cuối đời.
Tài năng tiên liệu của Bác đối với con người, cả mặt tích cực và tiêu cực, thật đáng kinh ngạc!
Có điều chúng ta vui mừng: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trước những diễn biến phức tạp trong nội bộ Đảng cầm quyền, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết tâm chấn chỉnh, thực hiện quyết liệt việc phòng, chống tham nhũng. tiêu cực… đưa phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào thực chất, hiệu quả hơn.
Thực tế mấy năm qua, từ quyết tâm chấn chỉnh của mình, nghiêm trị những kẻ thoái hóa, biến chất, Đảng đã lấy lại được lòng tin của nhân dân sau nhiều năm bị giảm sút do tình hình một số cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu, suy thoái, sa vào tội lỗi, khi họ được Đảng đưa vào vị trí lãnh đạo trong bộ máy quản lý.
Nhân kỷ niệm hơn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc Bác Hồ, - một áng văn Bác đã dành toàn tâm huyết cho Đảng, cho cán bộ và nhân dân trước lúc đi xa, - và trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, những suy nghĩ của chúng ta về vấn đề GỐC, theo lời dạy của Bác chắc còn nhiều điều cần bàn, nhưng những vấn đề cần làm ngay về “phẩm chất cán bộ và công tác cán bộ” đang là những việc thiết yếu. Thế hệ chúng ta nuôi tâm nguyện thực hiện ngày càng tốt lời Bác dạy, mong được là nén hương lòng tri ân của thế hệ hậu sinh đối với công ơn Bác cho sự nghiệp vì Dân, vì Nước.
10/2020
H.Đ.
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ
- TẤM LÒNG NHÀ BÁO PHAN NGỌC HIỂN (*)