Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 06/07/2021
NGƯỜI DÂN MONG CHỜ GÌ Ở NGƯỜI “CÔNG BỘC”?
Nguyễn Trọng
“Đảng ta là đảng cầm quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tính chất này trong Di chúc của Người năm 1969.
Cầm quyền là mức phấn đấu rất cao của một đảng cách mạng trong quá trình vận động quần chúng cùng mình đứng lên thực hiện mục tiêu “giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người” khỏi ách áp bức, bóc lột. Vì có chính quyền trong tay, người cách mạng mới phát huy được cao nhất sức mạnh xã hội nhẳm mục tiêu cải tạo thế giới của mình!
Về phần mình, người chiến sĩ cách mạng, - “người công bộc của Dân” - cần khổ công tu dưỡng mới có thể làm được nhiệm vụ vẻ vang đó. Bác Hồ đã chỉ rõ những điều cần tu dưỡng và cần tránh, để trở thành “nhân tố gốc” của sự nghiệp cách mạng.
“Tiên ưu hậu lạc”, “Lo trước dân, vui sau dân”, là phẩm chất cơ bản nhất của người cán bộ cách mạng. Khi cách mạng thành công, giành được chính quyền từ tay giai cấp bóc lột, điều đó đem đến cho người cán bộ cách mạng nguồn vui hay nỗi lo?
“Ra đi hai bàn tay trắng,
“Trở về một giải giang sơn”…
Rõ ràng niềm vui là rất lớn.
Thế nhưng, trong nguồn vui đó, mối “lo” cho phúc lợi của nhân dân có lẽ còn lớn hơn niềm “vui” thắng lợi của cách mạng. Vì khi đã “cầm quyền”, thử thách của hoàn cảnh mới không hề nhẹ nhàng; nó phức tạp, thậm chí “đau đớn” hơn, so với thời kỳ vận động cách mạng, kháng chiến cứu nước vào sinh ra tử.
Chúng ta biết rằng, ngay từ năm đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Hồ đã nhấn mạnh những chuẩn mực cơ bản: Nhân - Nghĩa - Tín – Trí – Dũng – Liêm – Chính - Chí công vô tư(1).
Hệ thống giá trị đó, vừa mang tính truyền thống dân tộc có tự nhiều ngàn năm lịch sử, vừa là kinh nghiệm và chuẩn mực để đánh giá chất lượng từng cá nhân cán bộ, làm tiêu chuẩn để Đảng chọn lựa cán bộ cầm quyền
Trong tiêu đề của nước Việt Nam mới“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Bác đề nghị 6 từ căn bản: “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”; xác định trước hết nội hàm cốt lõi của chế độ ta hiện nay là “Dân làm chủ” với khát vọng ngàn đời “mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.”.
Về việc này Bác nói rất đơn giản:“Dân chủ là người dân được mở miệng”..
Với tư cách người chủ của đất nước, Dân cử ra người làm đại diện cho mình để quản lý đất nước, đó là chế độ “cộng hòa”, khác với chế độ quân chủ.
Về cán bộ quản lý, Bác nói: “Cán bộ là “đầy tớ” của Dân (công bộc). Làm đầy tớ cho Dân có vinh dự không? Rất vinh dự, vì mục tiêu của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, cứu độ nhân loại! Trong sự nghiệp lớn lao đó, người được làm đầy tớ, góp sức thực hiện mục tiêu vô cùng cao quý, vĩ đại đã nêu ở trên thì còn gì vinh hạnh hơn?”.
Đương nhiên, làm đầy tớ thì phải có tiêu chuẩn, mà làm “đầy tớ của nhân dân” lại càng phải thực tâm tu dưỡng phẩm chất. Có bốn chuẩn mực cơ bản sau đây:
1/. Trung thành với lý tưởng, với lập trường lo cho dân, phục vụ đất nước, và dân tộc, giải phóng con Người
2/. Có tinh thần trách nhiệm
3/. Có tính chiến đấu cao.
4/. Trung thực, khiêm tốn, nhẫn nại, chịu khó, kỷ luật.
Phương châm hành động của “người công bộc” cũng rất giản đơn, dễ nhớ. Bác nói: “Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm; việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”.
Như vậy cán bộ cách mạng, từ cấp thấp, cấp giữa đến cấp cao, nhất định không được lên mặt “ông quan cách mạng” mà phải là người đầy tớ thực sự, theo 4 tiêu chí nói trện.
Tính đến nay Đảng ta đã hơn 90 tuổi. Trong 90 năm đó, 15 năm Đảng hoạt động bí mật, vận động cách mạng. Từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, thời gian Đảng cầm quyền là 75 năm (30 năm kháng chiến, 45 năm xây dựng và bảo vệ đất nước độc lập, tự chủ)
Trong thời gian 90 năm hoạt động, Đảng hoàn toàn trông cậy vào đội ngũ cán bộ đảng viên để biến đường lối, chủ trương thành hiện thực, với tinh thần toàn Đảng chịu trách nhiệm về hiện trạng và tương lai của đất nước và dân tộc, đưa chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực lớn lao và vị thế, uy tín đặc biệt ngày nay trên thế giới.
Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình cán bộ và công tác cán bộ hiện nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm, - từ Đường Kách Mệnh đến Di chúc năm 1969 -, thể hiện mối ưu tư lớn của Người.
Trước đây hơn 20 năm, đồng chí Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đã viết một thiên tiểu luận sâu sắc về mối Ưu tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, Bài viết nhấn mạnh ý của Bác:
…“Điều trăn trở nhất của Bác là trách nhiệm của một Đảng cầm quyền, hơn nữa là trách nhiệm được giao trọn quyền lãnh đạo toàn xã hội. Mọi việc tốt, xấu, lớn hay nhỏ ảnh hưởng đến đời sống xã hội suy cho cùng đều có quan hệ tới vai trò trách nhiệm của Đảng và Nhà nước.
“Tiên liệu được những khó khăn thử thách, những phức tạp của đất nước sau kháng chiến thắng lợi đối với một Đảng cầm quyền, Bác căn dặn: “Phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh)…
…“Cuộc giải phẫu nhằm cắt bỏ những ung nhọt và bồi dưỡng cho cơ thể bộ máy lành mạnh đòi hỏi sự dũng cảm, kiên quyết của toàn Đảng, phải chăng hiện nay và trước hết phải tập trung chú ý vào bộ phận Đảng viên đang hoạt động trong bộ máy Nhà nước, tuy rằng toàn Đảng phải tham gia và tự chỉnh đốn. Nếu không có trọng tâm, trọng điểm e rằng sự lớn mạnh của Đảng chỉ nằm trong nguyện vọng, thôi thúc từ quá khứ oanh liệt mà không được tiếp sức từ phong trào quần chúng”(2).
Trong thời gian từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có nhiều Nghị quyết về cán bộ và công tác cán bộ* Các Nghị quyết Trung ương đã phân tích, đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ rất đúng, trong đó điểm quan trọng căn bản là: …“Đội ngũ cán bộ chúng ta đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”…
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đảng đã chỉ ra một cách nghiêm túc những yếu kém của đội ngũ cán bộ: “…Nhìn tổng thể đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh;… Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp,…. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật.
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
… Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.(3)
Nghị quyết Trung ương Đảng cũng đã khái quát rất đúng nguyên nhân của tình trạng này: Đó là nguyên nhân về nhận thức và ý thức trách nhiệm, công tác lãnh đạo và chỉ đạo công tác cán bộ, phân công phân cấp quản lý, giám sát, kiểm tra chưa tốt…
Nhiều cơ quan tham mưu của Đảng, thời gian gần đây đã có bản phân tích sâu sắc, đánh giá tình hình cán bộ và công tác cán bộ hiện nay, và nêu bật mấy biểu hiện tiêu cực cụ thể sau:
1/.- Cán bộ lãnh đạo, có một số không nhỏ, thiếu gương mẫu.
2/.- Một số đảng viên - cũng không nhỏ - có xu hướng “lựa gió theo chiều”, thực hiện dân chủ hình thức trong tổ chức Đảng và Chính quyền, thực chất là không dân chủ, nịnh bợ lãnh đạo để mưu lợi cá nhân.
3/.- Một số khá đông cán bộ không giữ được phẩm chất Cộng sản “Lo trước Dân, vui sau Dân”, chỉ lo vun quén cá nhân.
4/.- Tổ chức Đảng và Chính quyền xộc xệch, con người trong bộ máy Đảng, Chính quyền diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, thực dụng…, ngày càng nghiêm trọng.
Đúng như như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khi Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền, chủ nghĩa cá nhân có cơ hội lấn lướt đạo đức cách mạng…
Đồng chí Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng về kiểm tra công tác xây dựng Đảng ngày 21/3/2019, đã phát biểu: “Sắp tới, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết, quy định, chỉ thị đã có (của Trung ương), với tinh thần kiên quyết, kiên trì, xây đi đôi với chống, bồi dưỡng cái tốt, nhắc nhở, kỷ luật nơi chưa làm tốt... đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng thể hiện ở cương lĩnh, nghị quyết, luật pháp; chống hiện tượng co cụm, ngăn chặn thông tin xấu độc, chia rẽ nội bộ, nói xấu lẫn nhau. Đồng thời, “cũng phải dè chừng, cảnh báo những tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu… ,” Dân bây giờ tinh lắm, (họ biết rõ, có anh) nói rất hay nhưng trong hành động lại không phải, nói một đằng làm một nẻo, lựa gió theo chiều…”. Đồng chí vạch rõ: “Xây dựng Đảng về tổ chức, về con người, chỗ nào xộc xệch thì chúng ta chấn chỉnh… (Về) nhân sự, phải hết sức cảnh giác, phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa ý nghĩa, vị trí quan trọng của công tác xây dựng con người, tổ chức, phương thức lề lối làm việc, có như vậy kinh tế-xã hội mới phát triển"(4).
Đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra trung ương, cũng phân tích:
“Khi Đảng cầm quyền thì đảng viên có chức quyền”. Cái lẽ thông thường và rất “thực dụng” là chức quyền với tiền luôn gắn với nhau. Vì thế có tệ “chạy chức chạy quyền”, coi chạy chức chạy quyền như một “kênh đầu tư thu về lợi nhuận khủng khiếp…. Từ đó… “ở đâu cũng chạy, lĩnh vực nào cũng có thể chạy, nên người dốt chạy, người giỏi cũng phải chạy theo…”. Nếu để cho việc chạy chức, chạy quyền tràn lan thì chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ “không trong sáng”, vì động cơ của họ không phải là phục vụ dân, nước, mà chỉ để trục lợi cá nhân!” .
Phải chăng, như nhiều đồng chí lão thành đã nhận xét: hiện nay chúng ta đang “lâm bệnh”; và “bệnh không còn ở ngoài da, bệnh đã vào “phủ tạng” của chế độ?”.
Đồng chí Lê Thu Ba - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, khẳng định: “Phải làm đúng nguyên tắc tổ chức, “không lựa chọn những người chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền… Biện pháp xử lý cũng phải quyết tâm, không bao che, hình thức, nể nang, mọi đối tượng vi phạm đều phải xử lý bình đẳng, khách quan trước pháp luật"(5).
Để chấn chỉnh tình hình trên, nhiều đồng chí nặng lòng với sự tồn vong của chế độ, vừa qua đã đề nghị nhiều việc cần chỉnh đốn trong Đảng và Chính quyền, tập trung vào một số biện pháp giải quyết cấp bách sau:
1.- Trước hết cần nâng cao chất lượng phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phải đưa phong trào đi vào thực chất, tập trung chủ yếu vào việc “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, trên cái nền Tình yêu vô hạn đối với Tổ quốc, với con Người”. “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không phải chỉ là học thuộc lòng lời dạy của Bác, mà hơn thế cần thấm đượm tấm lòng của Người Cha tinh thần, tiếp thu sâu sắc cái Hồn Dân tộc do Người truyền lại, nhân tố đã tạo thêm sức mạnh làm thay đổi cuộc đời của mỗi chúng ta. Cụ thể là: mỗi đảng viên, cán bộ cần xác định động cơ vào Đảng: Không phải vào Đảng để “làm quan, phát tài”, mà tự nguyện làm “công bộc” cho Dân, suốt đời tận tụy vì lý tưởng Cộng sản: Gánh lấy phần khó khăn nhất trong sự nghiệp “lo cho dân, cho nước”, cho con người được thật sự Hạnh phúc, Tự do.
2.- Đề cao vai trò và trách nhiệm làm gương của người đứng đầu tổ chức, vì vai trò của những cá nhân này có ý nghĩa rất quyết định cho công tác cán bộ: đánh giá đúng chất lượng cán bộ, sàng lọc, chọn lựa được người cán bộ đạt tiêu chuẩn giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm mọi vi phạm dù nhỏ nhất, khi cán bộ lãnh đạo bộc lộ động cơ cá nhân trong công tác điều hành, nhất là trong lựa chọn cán bộ, bố trí tổ chức.
3.- Chấn chỉnh quy chế hoạt động của tổ chức Đảng và Nhà nước trên cơ sở thực thi nguyên tắc “tập trung dân chủ”, dân chủ có thực chất, không phải dân chủ hình thức. Phải khôi phục, phát huy truyền thống tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành, xây dựng… lấy đó làm biện pháp hiệu quả cho việc đổi mới cơ chế dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội.
4.- Xây dựng quy chế thuận lợi, công khai các hoạt động quản lý hành chánh, xã hội liên quan đến dân để quần chúng có điều kiện tích cực tham gia giám sát, thẩm định, phản biện công tác cán bộ của Đảng, tham gia xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia thẩm định phẩm chất cán bộ cầm quyền… để tổ chức Đảng và Nhà nước kịp thời chấn chỉnh bộ máy quản lý nhằm đạt sự đồng thuận xã hội thật cao.
Trên đây là một số biện pháp then chốt trong nhiều biện pháp liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, và đó cũng chính là những điều người Dân mong chờ ở “Người công bộc” trong tình hình hiện nay.
Làm tốt được 4 nội dung chấn chỉnh chủ yếu nêu trên, chúng ta chắc chắn sẽ đẩy lùi được những căn bệnh nguy hiểm có khả năng tàn phá “phủ tạng” của chế độ; phát hiện, phát huy tốt “hiền tài”, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, như mong ước của Bác./.
9/2020
N. T. ________________________________________________________________
- Hồ Chí Minh toàn tập , Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, tập 5, tr 291 - 293.
- Tuyển tập Trần Bạch Đằng – Nxb QĐND, Hà Nội, 2007, trang 145 - 146.
- Nghị quyết 26/TW, khóa XII. *Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Theo chinhphu.vn - Thời báo Tài Chính, 27/3/2019.
- baodatviet.vn-6/3/2019).
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ