Danh mục
Nguyễn Trọng Xuất - Ngày: 20/06/2019
(2) Của Phạm Ngũ Lão đời Trần.
Mùa Thu rồi ngày hăm ba…
Người Sài Gòn kháng chiến
PHONG TRÀO BÁO CHÍ THỐNG NHẤT
Quốc Phượng
9/1945
Nhân dân miền Nam đi vào cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Thực dân Pháp quyết tâm bám lấy đất thuộc địa béo bở này. Ủy viên Cộng hòa Pháp Cédile chủ trương cắt đứt đất Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, dưới nhãn hiệu “Nam Kỳ quốc” – lãnh thổ tự trị thuộc Pháp. Chánh phủ Nam Kỳ được khai sinh. Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh lập Mặt trận Bình dân Nam Kỳ làm hậu thuẫn chánh trị. Tại Sài Gòn, Pháp cho xuất bản báo như những tờ truyền đơn hòng lừa gạt dư luận. Đó là những báo lá cải: Tiếng Gọi, Phục Hưng và Tân Việt…, chủ trương phân ly “Đất Nam Kỳ của người Nam Kỳ.
Lần lượt sau đó các báo Tin Điển, Kiến Thiết, Justice (Công Lý – báo song ngữ Việt-Pháp), Nam Kỳ, Việt Bút… ra đời. Các báo này cực lực phản đối chủ trương Nam Kỳ quốc; ủng hộ chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đòi độc lập và thống nhất nước Việt Nam.
Nhân dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung nhiệt liệt hoan nghênh và tích cực ủng hộ các báo theo chủ trương thống nhất Tổ quốc; tẩy chay các báo Tiếng Gọi, Phục Hưng và Tân Việt–công cụ tay sai của thực dân Pháp.
Những người làm báo chân chính không chịu bẻ cong ngòi bút, không khuất phục cường quyền và bạo lực; mỗi báo đều nói lên nguyện vọng của nhân dân Nam Bộ là độc lập dân tộc và ý chí cương quyết thống nhất Tổ quốc Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một”.
Cho dầu lúc bấy giờ không khí Sài Gòn sặc mùi sát khí. Lính Pháp và bè lũ Việt gian, bọn chó săn tay sai mặc tình bắn giết người dân vô tội. Bọn chúng hô hào: “Đả đảo phở tái”, “Đả đảo Bắc Kỳ”; xách động người nhẹ dạ tìm đánh đồng bào miền Bắc, chúng rượt đánh người bán phở tái, tìm những gia đình có liên hệ xa gần với người miền Bắc hành hung. Chúng chặn người đi đường bắt nói: “Tân Sơn Nhứt”, ai nói không được chúng kêu là dân Bắc Kỳ rồi đánh đập, chửi rủa thậm tệ. Cầm đầu bọn “đánh Bắc Kỳ, đánh phở tái” có tên Nguyễn Phong Tân – chó săn thuộc loại giỏi và trung thành với thực dân Pháp và của tên trùm mật thám Bazin.
Sau, chủ trương chia rẽ “Nam Kỳ quốc” bị phá sản, bọn Việt gian “phong trào Nam Kỳ” trơ trẽn, cụp đuôi. Nguyễn Phong Tân xấu hổ, bỏ nước sang sống lưu vong trên đất Pháp, tưởng được yên thân, nhưng không thoát khỏi sự trừng trị của chính nghĩa. Cuộc đời của Việt gian Nguyễn Phong Tân bị chấm dứt dưới họng súng của một sinh viên Việt Nam tại Paris.
Như trên đã nói trong những ngày đầu kháng chiến, hai tờ báo lá cải Tiếng Gọi và Phục Hưng là công cụ của thực dân Pháp chửi Việt Minh hung hăng nhất. Tờ Tiếng Gọi chủ nhiệm là Đặng Văn Tấn, ngay khi quân Pháp vừa tái chiếm Sài Gòn, báo Tiếng Gọiđã ra đời hoan hôquân Pháp, hô hào phân ly theo giọng điệu hàng tôm, hàng cá. Bị dân Sài Gòn tẩy chay. Về sau không còn được Pháp cấp tiền nuôi dưỡng, nên đổi tên báo là Dân Thanh rồi Bình Dân cũng không ai thèm đọc, chết dần chết mòn trong quên lãng.
Báo Phục Hưng chủ nhiệm là Hiền Sĩ, trước Cách mạng tháng 8 làm phóng viên cho báo Sài Thành. Đúng là tay nhà báo láu cá và cơ hội. Hiền Sĩ tên thật Dương Văn Sĩ. Khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, chớp thời cơ nhảy ra tình nguyện hợp tác với Pháp. Từ anh phóng viên tầm thường, Hiền Sĩ trở thành chủ bút có thế lực.Dùng tờ Phục Hưng tuyên truyền cho Pháp, xuyên tạc kháng chiến, chửi bới Việt Minh nhưng lại sợ chết. Hiền Sĩ đi đâu cũng có lính tây đen theo “gạt-đờ-co”. Mặc dầu được thực dân tích cực bảo vệ an ninh, mỗi bước đi đứng của Hiền Sĩ đều có lính Tây, mật thám kẻ trước người sau đi theo hộ vệ mà vẫn bị nhân dân Sài Gòn trừng trị. Hiền Sĩ bị bắn tại đường Bonard (nay là đường Lê Lợi) gần nhà thuốc tây Nguyễn Văn Cao. Người bắn là một thiếu nữ Việt nam mới 17 tuổi, cô tên Nguyễn Thị Lan tức Lan Mê Linh. Tuy Hiền Sĩ chỉ bị thương nặng không chết nhưng cũng làm cho y một phen mất vía, kinh hồn. Về sau trái chanh bị vắt hết nước, báo Phục Hưng không có tác dụng gì, bị thất sủng, Hiền Sĩ về quê ở Mỹ Tho làm Cai tổng. Về già thâu tiền đò ngang Bắc Chợ Gạo (từ Mỹ Tho đi Gò Công), chết âm thầm năm 1953.
Còn đa số báo chí Sài Gòn ủng hộ kháng chiến đứng vào hàng ngũ Báo chí thống nhất. Chủ trương độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốcđược nhân dân Nam Bộ ủng hộ triệt để, báo bán chạy như tôm tươi. Các bài bình luận, chính luận sắc bén, đanh thép của Nguyễn Thạch Sơn (tức Nam Quốc Cang), của Trần Tấn Quốc, của Nguyễn Kỳ Nam… đăng trên báo Tin Điển được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh; nhất là các phiếm luận “Trớ trêu” trên báo Tin Điểnhay “Cười chút chơi” trên báo Nam Kỳ của Nam Quốc Cang châm biếm trào lộng bọn Việt gian theo Tây, lên án gắt gao bọn Nam Kỳ quốc, chế giễu các tên Tây thực dân hạng nặng: nhóm Ba-Bê (tức bọn Bazin, Bazé, Béziat) và nhóm Bông–Đờ-Ha (Boncivini, De La Chevroitière, Jules Haag) là những tên thực dân từng ở Việt Nam nhiều năm, từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn, trùm tài phiệt, trùm thế lực – bọn chủ mưu chia cắt miền Nam làm nước Nam Kỳ thuộc Pháp.
Và nhiều cây bút yêu nước: Vũ Tùng, Bách Việt, Dương Tử Giang, Phong Lữ (Nguyễn Văn Hiếu), Lê Thọ Xuân, Khuông Việt, Thiên Giang, Tam Ích, Triệu Công Minh, Đào Hưng, Nguyễn Bảo Hóa, Thanh Sanh… trên các báo Kiến Thiết, Nam Kỳ, Sự Thật, Justice, Lendemains, Việt Bút… vạch rõ âm mưu chia để trị của thực dân Pháp, nói lên nguyện vọng tha thiết là thống nhất Tổ quốc và độc lập dân tộc của nhân dân miền Nam, kêu gọi chính phủ Pháp thương thuyết với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chấm dứt chiến tranh, tránh đổ máu cho hai dân tộc Việt-Pháp.
Tuần báo Đoàn Kết của Nguyễn Hữu Lượng luôn luôn có “phóng sụ bưng biền” của Diệu Huyền Lang, thu hút khá nhiều độc giả (do Nguyễn Hữu Lượng là phòng nhì của Pháp nên có nhiều tin tức từ chiến khu, ta khai thác mặt tốt của nó vẫn có ảnh hưởng tốt, có tác dụng tốt; nhất là những tin về các trận phục kích, những trận đánh gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp, làm nức lòng, hả dạ bà con Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định).
Tuần báo Việt Bút của Nguyễn Kim Bắc, sau cũng làm mật thám, công an. Nhưng lúc này có các cây bút lớn, lý luận đanh thép như: Tam Ích, Thiên Giang, Thiết Cam chống thuyết phân ly, đòi thống nhất Tổ quốcvà đăng thiên tiểu thuyết dài “Đương kim kiếm hiệp – Non nước anh hùng” đề cao chánh nghĩa, đề cao kháng chiến, nêu gương hy sinh chiến đấu ngoan cường của quân dân Nam Bộ được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh.
Các báo dựa vào tin tức nước ngoài (các hãng tin AFP, AP, Reuter… ) đăng đầy đủ tin tức về cuộc Hội nghị Sơ bộ Đà Lạt, tin về Hội nghị Fontainebleau và tin tưởng vào thắng lợi của nhân dân miền Nam anh hùng chống lại quân Pháp từ khắp mọi nơi ở Nam Bộ.
Các cây bút tiến bộ, các nhân sĩ, trí thức yêu nước lần lượt xuất hiện trên báo chí Sài Gòn càng đông, gây thành phong trào có tiếng vang rất lớn. Phong trào Báo chí Thống nhất chống thuyết phân ly, chống “Nam Kỳ quốc”, đòi thống nhất Việt Nam. Ban đầu mỗi báo đánh một kiểu, mỗi cơ quan làm một cách. Lần lần các báo đi đến thống nhất, tổ chức hàng ngũ ký giả “Liên hiệp ký giả Dân chủ Thống nhất” do ông Lê Thọ Xuân làm chủ tịch, và thống nhất báo chí trong hành động.
BỘ BIÊN TẬP XÓM THƠM
Nhân dân Sài Gòn theo tiếng gọi của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ “Kháng chiến” giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, làng báo Sài Gòn được sự lãnh đạo của cơ quan tuyên truyền bí mật Sài Gòn-Chợ Lớn, quyết tâm đập tan “cái gọi là Nam Kỳ quốc”. Các ký giả Triệu Công Minh, Lê Thọ Xuân có công đầu trong việc gặp gỡ anh em đồng chí hướng: tổ chức các cuộc họp mặt để kịp thời đưa ra chủ trương đấu tranh cho phù hợp với tình thế, giành thắng lợi.
Các cuộc họp thường diễn ra tại Xóm Thơm, nhà riêng của Triệu Công Minh, một nơi kín đáo ở Gò Vấp. Về sau khi nhắc lại chuyện này anh em quen gọi là “Bộ biên tập Xóm Thơm”. Ban đầu gồm các ông Mai Văn Bộ, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Thọ Phước, Lê Văn Ngôn, Nguyễn Văn Mại, Lê Thọ Xuân, Triệu Công Minh và bà Ái Lan (vợ ông Triệu Công Minh).
Bấy giờ các ông Vũ Tùng, Khuông Việt, Thiếu Sơn… thường họp riêng với nhau, thỉnh thoảng mới đến XÓM THƠM bàn bạc nhau để thống nhất hành động. Về sau, XÓM THƠM còn có các ông đến dự họp: Nam Quốc Cang, Trần Tấn Quốc, Nguyễn Kỳ Nam, Nguyễn Bảo Hóa, Trần Minh Ký… Riêng ký giả Dương Tử Giang thích đánh lẻ nhưng rất phục tùng mọi quyết định của Xóm Thơm.
Như vậy, tuy “Bộ biên tập Xóm Thơm” không có báo, nhưng các báo xuất bản tại Sài Gòn đều có ký giả trong “Bộ biên tập Xóm Thơm”. Các báo đều đăng bài, đăng tuyên ngôn của ký giả, của Hội Báo chí thống nhất. Thực chất “Bộ biên tập Xóm Thơm” mang trọng trách thúc đẩy báo Sài Gòn trên bước đường đấu tranh cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TUYÊN NGÔN CỦA BÁO CHÍ THỐNG NHẤT
Ngày 11/10/1946, Báo chí Thống nhất ở Nam Bộ ra Tuyên ngôn như sau:
● Dân tộc Việt Nam đang trải qua một lịch sử nghiêm trọng mà mỗi phần tử dân chúng không có quyền lãnh đạm. Sự đấu tranh cho được Tự do và Thống nhất là phận sự chung của tất cả cá nhân.
● Báo chí là một trong những lực lượng trách nhiệm. Các nhà ngôn luận là những người có phận sự phải góp sức vào sự đấu tranh chung. Phận sự ấy cũng thiêng liêng như phận sự của các tổ chức tranh đấu khác được hoạt động.
● Vì nhận định được tính cách trọng yếu của báo chí và nhận thức được sứ mạng của người cầm bút trong tình thế hiện thời, những người đại diện cho các báo: Justice, Kiến Thiết, Nam Kỳ, Tin Điển, Việt Bút đã cùng dự thảo một chương trình hành động chung. Tính cách của sự hoạt động đều lấy nguyên tắc dân chủ làm tiêu chuẩn. Mục đích của sự hoạt động là sự thống nhất 3 Kỳ và sự tự do của Tổ quốc. Còn phương pháp hoạt động là tạo các chính kiến, thống nhất sự tuyên truyền trên cơ sở một chương trình tối thiểu:
I/ Tranh đấu trên báo chí:
a) Để ủng hộ triệt để 2 chính phủ Pháp-Việt về việc thi hành các hiệp ước;
b) Để cho sự thống nhứt 3 Kỳ được thực hiện;
c) Để ủng hộ triệt để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
II/ Gây thiện cảm giữa 2 dân tộc Pháp-Việt trên nền tảng tự do, bình đẳng và tố cáo tất cả hành vi có phương hại đến tình hữu nghị của hai dân tộc.
III/ Can thiệp một cách thiết thực về tất cả những việc phạm tới quyền dân chủ của công dân Việt Nam.
Sự hoạt động trước hết là phát hiện trong tinh thần đoàn kết của các nhà ngôn luận cùng chấp thuận chủ trương chính trị, sau sẽ tùy trường hợp chính trị, xã hội mà biến chuyển để thích ứng với hoàn cảnh và sau hết là gây một lực lượng đấu tranh làm hậu thuẫn cho các phong trào xã hội, dân chủ, lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam làm viễn vọng.
Các báo có tên trong bản Tuyên ngôn này tha thiết mong được các nhà văn, nhà báo, nhà làm cách mạng trong xứ tham gia và mong dân chúng ủng hộ về tất cả mọi phương diện.
Ký tên: Justice, Kiến Thiết, Nam Kỳ, Tin Điển, Việt Bút
Ngoài bản Tuyên ngôn này, Báo chí Thống nhất còn tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến. Kết quả có 2.852 trả lời trong số 3.000 phiếu phát ra, 2.846 phiếu đòi thống nhất, chỉ có 6 phiếu chịu phân ly.
Lần hồi về sau làng báo Sài Gòn còn có thêm một số báo hàng ngày nữa: Sự Thật rồi Văn Hóa Ngọ báo của Dương Tử Giang, Việt Nam của Võ Thành Cứ, Ánh Sáng của Lư Khê, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, tuần báo Tân Tiến của bác sĩ Lê Quang Trinh, Tiếng Dân của luật sư Trương Đình Dzu, tờ Phương Nam (Sud) của Hội Pháp-Nam và Lendemains, in chữ Việt và chữ Pháp.
Báo Lendemains do ông Vital Saulnier đứng tên, vốn gốc người Azerbaizand (Liên bang Xô viết cũ) nguyên là trung úy trong quân đội Đức đầu hàng, ông đi lính Lê Dương của Pháp sang Việt Nam “đánh giặc mướn”. Ông Vital Saulnier sớm giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản. Khi sang Việt Nam, ngoài hoạt động báo chí góp phần chống chiến tranh Đông Dương, ông còn là một trong những người sáng lập “Câu lạc bộ Văn hóa Mác-xít” (Club culturel Marxite), đặt trụ sở tại nhà ông Nguyễn Trí Mai ở đường D’Arfeuilles, Tân Định (nay là đường Trần Quốc Toản, quận 3). Ông Nguyễn Trí Mai là anh của ký giả Nguyên Dân – thơ ký tòa soạn báo Sài Gòn Mới. Tất cả các báo này đều đứng trong hàng ngũ Báo chí Thống nhất. Còn các tờ Quần Chúng của Nguyễn Văn Sâm, Quốc Hồn của Nguyễn Bảo Toàn, Tranh Đấu của Phạm Văn Điều… tuy không đứng vào hàng ngũ thống nhất nhưng cũng không chủ trương phân ly.
TRỤ SỞ CỦA BÁO CHÍ THỐNG NHẤT
Trụ sở liên lạc của Báo chí Thống nhất đặt tại tòa soạn báo Nam Kỳ ở đường Bonard (nay là đường Lê Lợi). Ở đây có hai nhà in báo: nhà in Đông Dương số 34 và nhà in S.A.P.I. ở số 28A. Nhựt báo Nam Kỳ của nha sĩ Lê Văn Trường, dân Tây, có vợ đầm, chủ trương thống nhất, đả thuyết phân ly rất mạnh. Thực dân và tay sai rất ghét nhưng không dám động đến.
Phong trào báo chí thống nhất gây được ý thức đoàn kết có tính cách mạng trong hàng ngũ anh em ký giả Sài Gòn. Đại diện báo Tin Điển là ký giả Nguyễn Văn Sinh (Nam Quốc Cang) hạt nhân của phong trào, thường tụ tập anh em tại trụ sở trao đổi tin tức. Mỗi chủ nhật, tòa báo Nam Kỳ - trụ sở Báo chí Thống nhất là nơi phát hành báo, duy nhất một tờ được luân phiênxuất bản, các báo đồng nghỉ ngày chủ nhật. Một mình một chợ, báo bán rất mạnh, đội ngũ đại lý phát hành báo không hở tay. Mặc dầu không có văn bản nào bó buộc, các báo thống nhất đều tôn trọng tuyệt đối. Không một báo nào xé rào
Chủ nhật ngày hội vui của báo chí thống nhất, vì báo độc quyền bán lấy tiền lời chia đều cho anh em. Từ Bộ biên tập, nhân viên Ty quản lý, công nhân nhà in, phát hành đến chủ báo cũng được hưởng một phần như nhau. Tất nhiên trừ tiền giấy, tiền công sắp chữ, tiền mướn nhà in… phát hành không nhận tiền hoa hồng. Cách làm này thể hiện tinh thần đoàn kết rất cao trong làng báo Sài Gòn lúc bấy giờ. Tinh thần đoàn kết cao quí ấy đã chuyển hóa được một tờ báo trước đây mang tiếng là phản động vì theo chủ trương phân ly, tờ Tân Việt của Châu Vĩnh Thạnh. Ông Châu Vĩnh Thạnhdáng người thấp có bề ngang, bệ vệ nhưng có tật, đi rất chậm (chân cà thọt), thân Pháp. Báo Tân Việt tuyên truyền thuyết phân ly “đòi đất Nam Kỳ của người Nam Kỳ, đòi tống cổ bọn Bắc Kỳ ra khỏi đất Nam Kỳ”. Báo Tân Việtbán không ai mua – cũng không được trợ cấp đầy đủ, đồi dào như Phục Hưng, Tiếng Gọi– báo ế mỗi ngày mỗi nhiều lỗ nặng: ông ta sợ cụt vốn, mang nợ. Lợi dụng tình trạng hoang mang, lo sợ của ông, anh em ta khuyên không đăng tin “lễ tân” của Nam Kỳ quốc, không đăng tin tuyên truyền cho Pháp mà đăng tin về các cuộc họp, hội nghị Fontainebleau, ủng hộ quan điểm lập trường của Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về các mặt kinh tế, tài chánh, ngoại giao, lãnh thổ… Ông Thạnh nghe lời nhưng căn dặn làm từ từ, không nên quá lộ liễu để Pháp nói ông trở cờ rất có hại cho ông.
Áp lực dư luận chống chia rẽ, chống Nam Kỳ quốc ngày càng lên cao. Anh em đề nghị báo Tân Việt gia nhập Báo chí Thống nhất.Ông Châu Vĩnh Thạnh nghe lời viết thư xin vô Hội Báo chí Thống nhất. Báo chí Thống nhất đăng thông báo loan tin mừng có thêm hội viên mới: nhựt báo Tân Việt trở về với nhân dân. Chủ trương thêm bạn, bớt thù thể hiện rõ trong làng báo Sài Gòn.
Sau “Phong trào Báo chí Thống nhất”
LIÊN HIỆP BÁO CHÍ VIỆT NAM CHÁNH THỨC CHÀO ĐỜI.
Làng báo Sài Gòn từ những năm 1945-1946 dấy lên phong trào chống thuyết phân ly “thành lập Nam Kỳ quốc”, hình thành Phong trào báo chí thống nhất do Bộ biên tập Xóm Thơm vận động và chỉ đạo. Chế độ Nam Kỳ tự trị cáo chung (khoảng cuối năm 1946). Các chính phủ bù nhìn do thực dân dựng lên – chuyển tiếp từ Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân rồi Nguyễn Phan Long, chánh thức tự xưng là Chánh phủ Nam phần Việt Nam, mặc nhiên công nhận Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam. Báo chí Sài Gòn cũng trưởng thành, chuyển mình đấu tranh cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ: vận động thành lập Hội Liên Hiệp Báo chí Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa ký giả và chủ báo, bảo vệ quyền lợi báo chí, đấu tranh đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận. Báo Tiếng Chuông số 20, chủ nhật 11/7/1948 đăng tin nguyên văn như sau:
“Báo chí V.N. toàn quốc hãy liên hiệp”
Ban thường trực của Liên hiệp Báo chí Việt Nam ở Sài Gòn, sau khi giao phó trách nhiệm, đã phân công như sau nầy: Chủ tịch: Lê Thọ Xuân. Phó chủ tịch: Võ Thành Cứ. Tổng thư ký: Nguyễn Văn Sinh. Thư ký: Huỳnh Hoài Lạc. Thủ quỹ: Đặng Văn Ký. Cố vấn: Thiếu Sơn, Triệu Công Minh.
Theo quyết định của đại hội nhóm ở Sài Gòn ngày 1/7/1948, Liên hiệp Báo chí Việt Nam là một hình thức đại đoàn kết giữa những ký giả và những chủ báo Việt Nam với 2 mục đích:
1. Binh vực quyền lợi báo chí để đi đến tự do báo chí.
2. Tương trợ để nâng cao mực sống của ký giả: Ban thường trực rất mong được tất cả ký giả và chủ báo Việt Nam giúp ý kiến trong việc thảo qui điều.
Trụ sở tạm thời của Ban thường trực L.H.B.C.V.N.(Sài Gòn): 26 đường Sabourin (trên lầu).
TUYÊN NGÔN của Liên hiệp Ký giả Dân chủ VN
Báo Phương Nam (Sud) do người Pháp làm chủ nhiệm, có quan hệ chặt chẻ với báo Công Lý (Justice) đảng Xã hội Pháp (SFIO) và đảng Xã hội Việt Nam (SVIO) xuất bản tại Sài Gòn, ủng hộ Việt Nam thống nhứt và độc lập. Báo đề năm thứ nhứt số 10 ra ngày thứ bảy 19 Avril 1947 đăng bài Hòa Bình của Renéde Serval đòi chấm dứt chiến tranh, hòa bình thống nhất Việt Nam; giữa trang nhất tờ báo đăng nguyên văn TUYÊN NGÔN của Liên Hiệp Ký giả Dân chủ Việt Nam như sau:
Trong cuộc tranh đấu cho nền độc lập , nhiệm vụ của những nhà văn, nhà báo là dùng cây viết làm lợi khí tuyên truyền tinh thần của bình đẳng, nguyên lý của tự do, sức mạnh của lòng yêu nước và cổ võ tình thương yêu chân chánh giữa hai dân tộc Việt- Pháp.
Cái sứ mạng lịch sử và quốc gia ấy, chúng tôi đã tự lãnh từ lâu và vẫn tiếp tục chiến đấu không ngừng. Cuộc đấu tranh có khi lẻ loi, khi đoàn kết, khi trải qua những ngày nguy nan, tối tăm nhứt, nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn hăng hái nêu cao ngọn cờ tự do trong luồng gió cách mạng.
Tuy nhiên trong báo giới cũng như các giới khác trong tầng lớp xã hội, chúng tôi nhận rõ sự đoàn kết vẫn là điều kiện sống còn của cuộc giải phóng và nền độc lập Việt Nam. Nên sau một thời gian bị tấn công liên tiếp, hàng ngũ rã rời và sau khi chuẩn bị lại hàng ngũ, hôm nay những cây bút chân chánh lại gặp nhau trên một chương trình duy nhứt để cùng nắm tay nhau, cùng sát cánh với đồng bào, tiếp tục con đường giải phóng trong ĐOÀN KẾT.
Liên hiệp Ký giả Dân chủ VN hạn chế tất cả sự hoạt động vào phạm vi một chương trình đã vạch dưới đây, chỉ nhập một chương trình cấp bách giữa những trường hợp chính trị của Việt Nam hiện thời và sẽ tùy sự biến chuyển thời cuộc mà thay đổi hình thức và phương pháp hoạt động. Những đại cương hoạt động là:
1- Ủng hộ Chánh phủ do Quốc hội Việt Nam 3 miền, hiện thời là chánh phủ Hồ Chí Minh.
2- Giải thích và xây đắp tình huynh đệ giữa 2 dân tộc Pháp-Việt
3- Ủng hộ tinh thần tranh đấu Việt Nam và cổ võ cho nền dân chủ chân chính.
4- Tranh đấu cho hòa bình, phản đối chánh sách bội ước phân ly, độc tài hay quân chủ bất luận ở đâu tới.
5- Bài trừ và tố cáo tất cả những yếu tố văn hóa phản động nhất là trong hàng ngũ văn chương và báo chí.
Những phần tử “Liên hiệp” sẽ không bao giờ cộng tác với những tờ báo công khai chủ trương trái ngược với tôn chỉ của đoàn. Không chịu để cho một thế lực nào chi phối tư tưởng và tinh thần chiến đấu và tố cáo trước dư luận hay tẩy chay những nhà văn, nhà báo và những cơ quan ngôn luận đi hàng hai để lừa gạt quần chúng.
Anh em trong Liên hiệp Ký giả Việt Nam mong các bạn làng văn, làng báo chân chánhgia nhập hàng ngũ và mong được đồng bào ủng hộ một cách thiết thực.
Ngày 16 tháng 4 năm 1947
LIÊN HIỆP KÝ GIẢ DÂN CHỦ VIỆT NAM
(Union des journalistes Démocrates du VietNam)
Trụ sở tạm thời: 5 rue Farinole (Tòa soạn Justice)
BÁO CHÍ SÀI GÒN BỊ TRẢ THÙ VÌ ĐỂ TANG CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG
Người làm báo Sài Gòn trong đấu tranh gian khổ của dân tộc đã từng bị đàn áp, bị bắt bớ, bị bắn giết, tù đày… nhưng luôn luôn tự mình vươn lên đứng vững. Ngoài việc khủng bố, đàn áp, làm nhục chí đấu tranh của người làm báo, thực dân Pháp và tay sai còn đánh vào mặt kinh tế. Cho chủ nhiệm báo xuất bản một đôi ngày rồi bắt đình bản, rồi cho tục bản, tái bản 1 tuần lễ, nửa tháng lại bắt đình bản… phóng viên bị thất nghiệp, treo bút. Chủ báo lỗ lã, cụt vốn.
Sài Gòn mỗi ngày vẫn có trên dưới 10 tờ báo hàng ngày; khi ít nhất cũng 5, 7 tờ; lúc nhiều lên tới 15, 17 tờ trong những năm đầu kháng chiến. Báo bị đóng cửa, chủ báo bị đe dọa, ký giả bị khủng bố, bị bắt, bị giam là chuyện thường ngày. Chỉ có chánh phủ Lê Văn Hoạch – tên đồ tể hạ sát báo chí một lúc trên 10 tờ báo (13 tờ).
Cuối tháng 5/1947, báo chí Sài Gòn đồng loạt để tang, viết bài đề cao, ca tụng và chia buồn Quyền Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nội vụ, Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần ngày 24/5/1947, làm cho thực dân và bọn Việt gian ứa gan.
Các báo còn loan tin giặc bị phục kích, bị thiệt hại nặng nề ở Trung Lương (trận Giồng Dứa), Mỹ Tho, làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Trương Vĩnh Khánh và Bộ trưởng Nội vụ Diệp Quang Dõng tử thương cùng nhiều binh lính Pháp và Việt gian. Thua đau lại bị nhục, chánh phủ Lê Văn Hoạch trả thù hạ lệnh đóng cửa một lúc trên 10 tờ báo hằng ngày.
Chánh phủ Nguyễn Phan Long và Trần Văn Hữu đã ám sát nhà báo chân chánh Nam Quốc Cang và giết chết học sinh Trần Văn Ơn (1949-1950) gây xúc động và căm thù của nhân dân Sài Gòn – Gia Định, gần 2 vạn người tự động đi đưa tang ký giả Nam Quốc Cang và ngót 3 vạn đồng bào các giới tiễn đưa linh cữu học sinh Trần Văn Ơn, là hai đám tang đi vào lịch sử trong giai đoạn toàn miền Nam kháng chiến chống Pháp.
Sau đây là bài văn vần ghi lại một số báo đã xuất bản trong giai đoạn này. (Chữ in nghiêng là tên báo) - 5 câu chót là tên các báo bí mật xuất bản trong vùng kháng chiến đưa vào phổ biến trong nhân dân đô thị vùng Sài Gòn – Gia Định, khi in trên báo công khai phải sửa lại để không bị kiểm duyệt.
Nước Nhà gặp lúc ngửa nghiêng,
Kêu gào Quần Chúng dẹp phiền một bên.
Cùng nhau Đoàn Kết cho bền,
Đấu tranh nhau mãi Dân Quyền ai lo.
Anh em sao cứ đắn đo,
Quốc Hồn khinh rẻ ai cho thức thời.
Từ ngày Điện Báo ra đời,
Thời Báo rải khắp dạt lời cao rao.
Bắc Nam Trung hỡi đồng bào,
Cộng Đồng hội hiệp lo sao kịp người.
Chừng nào toàn quốc vui chơi,
Phục Hưng công ấy ai cười được ta.
Kèn Gọi Lính vọng vang xa,
Vì nước Cảm Tử dân ta anh hùng.
Chống Xâm Lăng diệt thù chung,
Dựng xây dân chủ tự do vững bền.
Nhắm đường độc lập Tiến Lên.
Đoạn sửa lại đặng in báo công khai (5 câu chót):
Suối vàng thi sĩ Tản Đà,
Hay tin ông cũng khề khà mừng cho.
Mừng nay còn đám học trò,
Quê cha đất Tổ biết lo báo đền.
Con đường độc lập Tiến Lên.
Q.P.
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ