Danh mục

Nguyễn Trọng Xuất - Ngày: 31/01/2020

NHỮNG NGÀY ĐẦU IN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Vũ Hưng

Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 20/10/1950, các máy in Mi-néc-vơ đạp chân thủ công nhả ra những số 1 của báo Quân đội Nhân dân. Tuần trước, anh Nguyễn Xuân Tước và tôi, hai người trình bày báo đã gửi lên Cục Tuyên huấn toàn bộ dự thảo ma-két số báo này và chúng tôi ước tính khoảng một tuần là trên duyệt xong.

Gọi là tờ báo chính thống của quân đội nhưng số “lính cầm bút” chỉ trên dưới mươi người họp thành một tổ trong Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị do anh Lê Quang Đạo phụ trách. Cái tổ ấy cũng chưa có tên gọi là “tòa soạn” và các “lính cầm bút” ấy cũng chưa ai được gọi là “nhà báo” hoặc “biên tập viên”. Một tuần trôi qua trong sự hồi hộp của chúng tôi, không biết sự sắp xếp bài vở trên các trang báo như vậy có được duyệt không và người lo hơn tôi là anh Tước, vì anh là người kẻ cái “măng-sét” của báo. Quãng đường từ trung tâm “a-tê-ka”, tên gọi tắt là của an toàn khu, nơi tập trung các cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, về tới Nhà in Quân đội Nhân dân, thông thường là non một ngày. Hồi đó việc đi lại hầu hết là đi bộ. Có một từ mà bây giờ đã mất cùng với thời gian để mô tả nỗi ước ao của một chuyến đi bằng cơ giới, lính vẫn đùa với nhau:

- Đi ô tô Căng Hải hả? (nói ngược nhóm từ hai cẳng).

Sắp xếp bản thảo lại một chút rồi cả hai chúng tôi cùng đến lán trại của anh Mai Sơn - chỉ huy trưởng đơn vị, báo cáo và xin lệnh in. Anh là sinh viên, do chiến tranh nên “bỏ bút nghiên” tham gia cách mạng, một người luôn hồ hởi, làm việc với anh rất thích. Vẫn lối nhìn sâu sắc của một trí thức, anh bảo chúng tôi:

- Một việc trọng đại của quân đội mình lại ra đời đúng vào mùa thu lịch sử.

Vậy là, kể từ ngày Cục Chính trị nâng lên thành Tổng cục Chính trị ngày 17/11/1950 và có chủ trương ra đời tờ báo, đến ngày 20/10, vừa tròn 3 tháng 10 ngày.

Cầm tập bản thảo đi về phía phân xưởng in, chúng tôi không nói gì với nhau. Bây giờ mới để ý đến con đường, lá vàng rơi đã tạo thành một bức thảm dày dưới chân chúng tôi, cảnh vật đã vào thu. Ý nghĩ bỗng nhiên trở thành chứng nhân lịch sử, khiến cả anh Tước và tôi, đều cảm thấy vừa vui, vừa trách nhiệm nặng nề, nên đưa in xong, không ai muốn về lán trại của mình để ngủ. Chúng tôi đứng bên các máy in, tìm kiếm các chỗ in mờ để chỉnh sửa cho kịp thời. Đến khoảng 2 giờ sáng thì trang bìa và các trang trong đã in đủ vài số đầu.

Lúc này chúng tôi mới yên tâm, mỗi người cầm một tờ về phòng làm việc. Căn phòng chỉ vừa tròn 4m2, chính giữa là bàn ghép bằng cây nứa phanh ra, phía hai mép bàn là hai hàng ghế dài cũng bằng nứa để mọi người vào ngồi chờ chúng tôi sửa. Nơi đây gọi là Phòng điều chỉnh, nằm ở hai đầu hồi lán trại của nhà chữ để tiện sửa các bản in thử. Nơi đây cũng là nơi lên trang, lên sách các cuốn nổi tiếng sau này như cuốn Sửa đổi lề lối làm việc. Tôi còn nhớ hồi đó, theo chỉ thị, sách phải có khổ nhỏ để cán bộ, bộ đội dễ xếp vào ba lô hoặc bỏ vào túi áo, bởi vậy với đầu đề quá dài, tôi đành phải kẻ các con chữ thật cao và sít vào nhau cho vừa khổ ngang của sách. Nay cuốn sách được tái bản nhiều lần, đã bỏ bớt chữ “lề” để thành “Sửa đổi lối làm việc”.

Đêm đó hai hàng ghế chật ních người ngồi, các anh Từ Bích Hoàng, Trần Cư, Mai Luân và vài anh nữa đều theo bản thảo về nhà in, có vẻ như muốn sớm nhất nhìn thấy tờ báo ra đời và bài của mình viết mặt mũi ra sao trên trang báo. Các anh cũng mỗi người cầm một tờ báo về Phòng điều chỉnh. Lúc này anh Mai Sơn dường như không ngủ được cũng đến. Hầu như ai cũng hài lòng với bộ mặt của tờ báo. Anh Mai Sơn bảo tôi cho in thêm 300 tờ trên giấy tốt để biếu. Đợi đến trời sáng tỏ, anh Sơn cầm mấy tờ sang nhà anh Lưu Văn Lợi, là người được coi như Thư ký tòa soạn của báo. Nơi anh ở cách nhà in khoảng 300m trên đường từ rừng vào bản nhưng phải đi qua một con lạch nhỏ, nước ngày thường lúc nào cũng ngập mắt cá chân. Cầm chắc anh Sơn sẽ trở lại ngay nên chúng tôi ngồi đợi.

Đến nay cái đêm hôm ấy đã trôi qua gần 70 năm và tôi đang vào ngưỡng tuổi 90 mà tôi vẫn nhớ như in: hai dãy ghế gần như chật ních, mỗi người mang một chiếc đèn dầu nhỏ đến góp (thường gọi là đèn Hoa Kỳ), ánh sáng nhợt nhạt chỉ soi mờ mờ tỏ tỏ khuôn mặt mọi người, ai nấy đều tỉnh ngủ dù đã thức trắng đêm, chăm chú nhìn vào tờ báo, lật đi lật lại, ngắm nghía. Trên đầu chúng tôi, vầng trăng non đầu tháng đã khuất sau đỉnh núi, chim chóc đã bắt đầu ríu rít.

***

Báo ra được khoảng mươi số thì chúng tôi nhận được một công văn đến rất đúng lúc. Các máy Mi-néc-vơ vận chuyển từ Hà Nội ra trong thời gian Trung đoàn Thủ đô kìm chân quân đội viễn chinh Pháp trong các khu phố Hà Nội, đến nay đã ọp ẹp lắm. In sách nếu máy hỏng còn có thể chờ vài ngày sửa, chứ in báo cứ chờ sửa thì còn đâu thời gian tính của báo. Bởi vậy việc thay máy in đang lúc cần thì công văn này đến làm sao mà không mừng. Anh Mai Sơn gặp tôi và giao cho tôi việc đi lấy máy.

Tôi phải đến Chiêm Hóa để nhận máy. Địa danh này cả tôi và anh Sơn đều xa lạ. Khi anh học Ban Tú tài thì không còn môn Địa dư (sau này đổi là Địa lý), còn tôi học ở Ban Thành chung thì chương trình lúc đó chỉ có một năm để học Địa dư trong nước lúc đó là cả ba nước Đông Dương: Việt – Miên – Lào. Chỉ biết rằng Chiêm Hóa ở về phía bắc của thị xã Tuyên Quang. Anh cử thêm Lợi - trưởng ban chữ, đi vì người ở ban máy đang rất bận với các số báo. Lợi cũng chẳng biết gì hơn tôi về đường sá. Chúng tôi đến nhà bếp để lĩnh gạo, cho vào ruột tượng và mấy miếng thịt muối để sáng hôm sau lên đường ngay.

Thị xã Tuyên Quang không lạ đối với tôi. Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi đi công tác ở Tổng đoàn Thanh niên do anh Đào Duy Kỳ phụ trách, được cử đi đón phu nhân đồng chí Lý Ban. Đồng chí Lý Ban là người Việt, tham gia cách mạng Trung Quốc, tham gia Vạn lý trường chinh, Tỉnh ủy viên, Đảng viên  Đảng Cộng sản Trung Quốc, được đảng bạn cử sang làm cố vấn cho phong trào thanh niên Việt Nam (sau 1954 là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương). Từ Đoan Hùng, chúng tôi thuê xe ngựa đưa chị tới Tuyên Quang để gặp lại chồng. Tôi cũng ở đấy cho tới khi “Thủ đô kháng chiến” ấy rút lên Châu Sơn Dương, khi đó là một vùng rừng rậm của Tuyên Quang.

Hôm sau, chúng tôi rời thị xã Tuyên Quang rất sớm, vì từ đây đi tiếp các nẻo đường hoàn toàn xa lạ với tôi. Đường vắng suốt một chặng dài. Lợi hỏi tôi:

- Có đi nhầm đường không?

Tôi cũng không biết trả lời sao, thầm nghĩ: lúc đó cả nước theo con số được phổ biến là 25 triệu, giả định chia cho hai miền, mỗi miền là 12,5 triệu. Điều này giải thích tại sao chúng tôi đi gần như nửa ngày mà chỉ gặp một hai toán người dân tộc. Gần trưa nhìn thấy một vài ngôi nhà sàn ở phía bìa rừng, tôi bảo Lợi vào xin nấu cơm. Cơm xong, không dám nghỉ lại, chúng tôi lên đường ngay. Đi mãi đến gần chiều mới gặp một toán phụ nữ người dân tộc đi ngược chiều. Hỏi thăm đường đi Chiêm Hóa, một bà cụ lắc đầu: “Xa lắm, xa lắm!!!”. Vậy là đúng đường rồi.

Rừng chiều mang bóng tối lại rất nhanh. Trên con đường lổn nhổn đất đá, tôi giục Lợi đi nhanh. Mặt tôi tái xanh, trời thu không nóng mà tôi toát mồ hôi. Lợi hỏi tôi tại sao. Tôi đánh trống lảng vì không muốn làm lây sang Lợi nỗi sợ của tôi:

- Trời tối nhanh quá, không gặp bản thì ngủ rừng mất!

Hai chúng tôi cùng rảo bước đến khi nhìn thấy vài căn nhà sàn ở bìa rừng, chúng tôi rẽ vào xin ngủ nhờ.

Ngôi nhà vắng vẻ, chỉ thấy đôi vợ chồng và cô con gái đang chuẩn bị bữa chiều. Chúng tôi cũng dốc gạo ra, mượn nồi nấu cơm và nghe tiếng vịt quang quác dưới sân, tôi hỏi mua hai quả trứng vịt, nhưng ông chủ nhất định không chịu lấy tiền. Bữa cơm chiều đó là bữa cơm thịnh soạn nhất của chúng tôi kể từ ngày lên đường. Nỗi lo của tôi đã vơi thì bỗng nhiên từ xa vẳng lại đủ các loại tiếng gõ của gỗ, của chiêng, xen trong tiếng tù và inh ỏi. Chủ nhà bật dậy cầm con dao đi rừng nhảy bổ ra cầu thang. Tôi hỏi cô gái chuyện gì vậy. Ú ớ vài tiếng tôi nghe chưa rõ thì cô cũng cầm một con dao chạy đi. Thấy vậy, tôi và Lợi cũng chạy theo. Đến đầu cầu thang, tôi chợt nhớ nên quay lại bảo Lợi:

- Ở lại giữ lấy giấy tờ!

Tôi chạy đuổi theo cô gái đến rìa núi thì hai chúng tôi đều dừng lại. Nhìn xuống bãi đất trống dưới chân núi, một đàn trâu chừng ba chục con đang quây lại thành hình vòng tròn, các con đực ở vòng ngoài, mắt đỏ ngầu, cặp sừng lắc qua bên này lại lắc qua bên kia cứ như võ sĩ đang chờ đối phương ra đòn. Còn các con nghé thì tập trung ở giữa đứng im, vẻ sợ sệt điều gì. Vừa lúc ấy thì cô gái con chủ nhà chạy tới, thở dốc và nói trong run rẩy:

- Cọp bắt trâu!

Tiếng tù và, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng gõ lúc này vẫn còn inh ỏi. Nam giới của bản làng đã chạy đến đông đủ. Họ quây lại thành một vòng tròn phía ngoài đám trâu đực, hai tay nắm chặt cán dao như chờ đợi để vào trận chiến.

Lát sau, tiếng chiêng, tiếng trống đã không còn thôi thúc. Lúc này, nam giới mới lần lượt tìm trâu và nghé nhà dắt về. Trở về nhà sàn, Lợi đã nấu cơm xong. Ăn xong, tôi đang tìm chỗ mắc màn thì chủ nhà gọi:

- Chú bộ đội ơi, lại ăn miếng sắn lùi.

Tôi muốn đi nằm, nhưng nể lời chủ nhà đành phải đến bên bếp lửa, hỏi thăm ông về mùa màng, thu nhập của bà con rồi mới đi ngủ.

Nằm mãi, tưởng cơn mệt sẽ làm tôi đi vào giấc ngủ dễ dàng. Nhưng không, câu chuyện của chủ nhà khiến tôi trằn trọc, thao thức với các câu hỏi tự đặt ra. Sáng nay dân trong bản phát hiện bên bờ suối có vết chân cọp. Theo chủ nhà, đúng là con hổ thọt thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Phải chăng vì hụt vồ mồi và cảnh giác khi gặp người nên con hổ phải dừng lại…

Gần sáng, tôi vừa thiếp đi thì Lợi đã đánh thức tôi. Từ giã chủ nhà tốt bụng, tôi đưa biếu hai viên đá lửa, thứ quý hiếm trong cuộc kháng chiến mà không dễ gì mua được.

Chiều xẩm tối thì chúng tôi đến Chiêm Hóa. Thị trấn chỉ là một con phố chạy dài bên bờ sông Gâm, có thêm vài phố nữa bắt ngang như chân rết. Dân cư thưa thớt, vài quán ăn, vài cửa hàng giải khát lưa thưa, vài nải chuối, vài quả trứng luộc. Hai thứ nước giải khát mà cửa hàng nào cũng có chỉ là cà phê hoặc trứng gà tách riêng lòng đỏ và lòng trắng, thêm đường đỏ khuấy mãi cho đến khi sánh lại thành kem. Khách hàng đông là nhờ vào sinh viên trường y Hà Nội sơ tán. Chúng tôi tìm nhà trọ để nghỉ.

Đến được Chiêm Hóa rồi mà coi như chưa đến đích, bởi cái địa chỉ lấy máy, oái ăm thay chỉ là địa chỉ “Công an Huyện”. Chúng tôi xuất trình giấy tờ cả về mặt chính quyền, cả về mặt đảng, bởi hồi đầu kháng chiến, để nâng cao cảnh giác thì giấy tờ về mặt đảng được tin hơn vì đảng viên đã được thẩm tra lý lịch. Cho nên có Lợi, chi ủy viên chi bộ nhà in, mọi giao dịch thuận lợi hơn. Lợi được cử đi có lý do này.

Đến lúc đó, công an huyện mới cho chúng tôi địa chỉ đến lấy máy. Đó là nhà máy cơ khí do anh Nguyễn Lương Bằng phụ trách. Anh được trong đảng gọi là Anh Cả. Lại phải đi một chặng đường nữa. Từ Chiêm Hóa, chúng tôi đi tiếp đến Đầm Hồng. Nơi đây nằm bên tả ngạn sông Gâm, phố chỉ là một đọan dài chừng vài trăm mét có nhà. Cắt ngang phố không còn những dãy nhà như chân rết mà chỉ là những con đường mòn dẫn vào bản xa xăm bên chân núi. Chúng tôi tìm đến địa chỉ như mô tả của Công an huyện. Đó là một ngôi nhà vách nứa lẻ loi trên một mô đất cao, ở dưới là con suối đổ nước vào sông Gâm. Đến đó, chúng tôi thấy ba thanh niên và không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi tắp vào đưa giấy giới thiệu. Một thanh niên hỏi chúng tôi từ đâu đến. Tôi chợt nghĩ ra câu trả lời mà trước không nghĩ tới:

- Chúng tôi từ Công an huyện tới.

Hết ngay vẻ nghi ngờ, cả ba thanh niên đều vui vẻ ngay:

- Các đồng chí nghỉ ngơi chừng ba ngày thì có máy.

Đến lúc nay tôi mới thực sự vui mừng. Thế nhưng nỗi vui mừng này lại đi đôi với nỗi buồn tẻ của ba ngày chờ đợi. Cứ ăn sáng xong, tôi lại lội bộ ra phố. Có hôm rủ Lợi, Lợi đồng ý đi; có hôm Lợi không muốn đi chỉ muốn ở trạm liên lạc để ngủ. Nhà nào ở phố cũng na ná giống nhau ở chỗ vừa là chỗ ở, chỗ bán hàng, vừa là chỗ chăn nuôi, trồng trọt. Khách đến mua chỉ là mấy bà con người dân tộc áo quần, khăn đội đầu đủ màu sặc sỡ. Tiền chỉ xuất hiện để trả phần chênh lệch giữa giá các sản phẩm của núi rừng như măng khô, mộc nhĩ, mật ong, v.v… và giá của các sản phẩm công nghiệp như dầu hỏa, muối, giấy bút học sinh, v.v…

Đột nhiên vào buổi sáng thứ ba chờ đợi, thì bỗng một người đàn ông đứng tuổi, dáng người vạm vỡ xuất hiện. Ông hỏi tôi:

- Tôi kéo thuyền lên khúc suối trên để tránh máy bay, thấy bè chở máy ra nên muốn hỏi có ai muốn thuê chở máy không?

Ôi thật là mừng. Mấy hôm trước, lững thững lên phố, tôi để ý không thấy một con thuyền nào cắm sào đợi khách. Đang tính để Lợi về Chiêm Hóa thuê phương tiện chuyên chở thì may sao. Tôi vội trả lời:

- Vâng, tôi cần.

Chuyện thương lượng giá cả diễn ra nhanh chóng vì cả hai bên đều thấy cần. Ngay từ đầu giờ chiều, tôi đứng ở cửa Trạm liên lạc ngóng thuyền ra. Chờ không lâu, tôi thấy thuyền và ông vẫy tôi xuống bến. Ông buông máy chèo, neo buộc thuyền cẩn thận, bắc ván cầu xong, ông gọi với vào trong:

- Vân ơi, đón khách xuống xem thuyền.

Từ cửa khoang thuyền xuất hiện một mái tóc thề đen nhánh, rồi một áo cánh ngắn tay, rồi cả người Vân đứng thẳng ở mũi thuyền. Thú thật từ khi nhập ngũ, doanh trại toàn ở rừng, tôi chưa được gặp một người nữ. Tôi đứng sững lại như thế không biết bao lâu cho đến khi tự thấy xấu hổ với mình thì Vân dường như cũng thoát cảnh ngỡ ngàng, bước lại đầu cầu bên kia:

- Mời anh xuống. Anh đi cẩn thận kẻo ngã.

***

Vào lúc chiều nắng nhạt, chúng tôi đã xếp xong cả hai chiếc máy in mới tinh xuống thuyền. Hai chiếc bánh đà chiếm gần hết khoang thuyền, các linh kiện khác lủng ca lủng củng nằm dọc, nằm ngang thân thuyền. Ông lái nói:

- Hôm nay không thấy máy bay, ta nhổ neo sớm để về bến, tôi còn phải đi giấu thuyền vì bến này hay bị máy bay bắn phá lắm.

Thuyền nhổ neo rời bến. Vân cũng cầm một mái chèo đi ra phía mũi. Lúc này tôi mới tiện ngắm Vân thoải mái. Một lúc sau, Vân không chèo nữa, vào khoang ngồi cạnh chúng tôi. Từ lúc xếp hàng xuống thuyền, hai bố con Vân và chúng tôi đã từ lạ tới quen. Tôi hỏi:

- Sao Vân không chèo nữa?

- Ra đến dòng nước rồi anh ạ, lúc này chỉ cần đánh lái cho thuyền theo dòng nước thôi anh.

- Vậy là nước chảy thuyền trôi chứ không phải bèo trôi.

Vân nở một nụ cười rất duyên với hàm răng trắng bóng.

- Sao bố con Vân lại chọn nghề sông nước lang thang này?

- Số phận mà!

- Vân kể đi.

- Trời tối rồi để em treo đèn báo hiệu đã.

Sàn thuyền đã đầy hàng, Vân phải đưa bàn chân lách vào các khoảng trống nên Vân đưa tay vịn vào vai tôi. Là một người mồ côi mẹ từ nhỏ, tôi chưa nhận được bàn tay phụ nữ nào đặt lên người, nay lần đầu tiên, tôi cảm nhận được hơi ấm của bàn tay như sưởi vào vai tôi, vào lòng tôi, đang thấm lạnh bởi gió núi, gió sông.

***

Vân sinh ra và lớn lên ở Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp cần tăng quân số nên vét người ở các thuộc địa. Cha Vân, ông Kết bị bắt lính. Ở Đông Dương lúc đó, người Pháp biên chế người Việt vào hai binh chủng: lính khố xanh và lính khố đỏ. Khố là một mảnh vải quấn từ mắt cá chân lên tới đầu gối, bó chặt lấy ống quần. Khố màu xanh lá là địa phương quân, khố màu đỏ là lính bộ binh. Là lính khố đỏ nên cha Vân xa nhà luôn, tuy vậy vẫn nhắn vợ chăm sóc cho Vân việc học hành. Thời đó học sinh nam và nữ không học chung trường cho tới bậc đại học. Con gái Hà Nội có hai trường công lập nổi tiếng: tiểu học có trường Hàng Cót ở phố Hàng Cót, tên tiếng Pháp là École Brieux; trung học có trường Đồng Khánh (sau đổi tên là trường Trưng Vương) ở phố Hàng Bài. Vân học trường nữ sinh Hàng Cót.

Năm 1941, quân đội Nhật đánh chiếm Lạng Sơn. Nước Pháp lúc đó đã bị quân đội phát-xít Đức chiếm đóng nên vào thế yếu để chống chọi với quân Nhật. Chiến trận diễn ra chóng vánh. Khi im tiếng súng, ông Kết ngẩng đầu lên bên cạnh một đồng đội đã tử thương; thấy chiến trường yên ắng, quân Nhật đã tràn qua trận địa, ông vội vứt súng, cởi quân phục dính máu, vuốt mắt cho người xấu số rồi rút chạy. Ba ngày ròng rã vừa đói vừa khát, ông về tới nhà. Sau đó thấy không thể sống ở nhà lo bị bắt lính trở lại, ông đưa gia đình ngược lên phía bắc, đến huyện Lập Thạch rồi đến Bến Then, thấy chưa yên tâm, ông lại đi tiếp vào phía chân núi và cuối cùng dừng lại tại thôn Cẩm Bình, nơi có một nhánh núi của dãy Tam Đảo đâm ra. Sau khi vỡ hoang được mảnh đất và tạo dựng được một cuộc sống mới cho gia đình, thấy mai danh ẩn tích chưa đủ, ông mua chiếc thuyền rồi chọn đời sông nước.

Tôi ngắt lời Vân:

- Thế sao Vân cũng chọn đời sông nước?

- Từ khi em trai biết đi, bập bẹ nói, bố em hay bỏ thuyền về thăm gia đình lắm. Lúc bố về thì vui mừng nhưng lúc bố đi thì cả nhà lại ôm nhau khóc. Em xin mẹ cho em đi với bố vì mẹ đã có em em ở bên khuây khỏa, bố ra đi thui thủi một mình, em đi để bố đỡ buồn mà em cũng có thể chăm nom đỡ đần cho bố. Mẹ em bằng lòng trong nước mắt.

Tôi thấy thương cho gia cảnh của Vân, nó cũng giống gia cảnh của tôi.

- Hoàn cảnh gia đình anh cũng vậy. Năm cha con anh mỗi người ở mỗi đơn vị khác nhau. Anh của anh là liệt sĩ mà mấy năm rồi, anh chưa được thắp nén hương. Anh thương nhất cô em út, Thúy mới lớn đã phải xa gia đình, nhập ngũ.

- Nhưng cũng có cái hay, anh ạ. Từ khi theo thuyền, em được gặp gỡ làm quen biết bao người như các anh. Con thuyền mong manh này đã chở cả ngàn bộ đội sang sông hoặc xuôi ngược. Đoàn nào em cũng mong gặp lại các anh để em được chăm sóc như chăm một người anh mà em không có. Nhưng các anh đi rồi, cứ đi đi mãi, chưa có ai trở lại với con thuyền…

***

Đúng như dự đoán của ông Kết, thuyền về đến bến Bình Ca trời chưa sáng rõ. Lợi và tôi hối hả nhảy lên bờ để tìm người chuyên chở máy về quán Ông Già, rồi từ đó anh em trong nhà in sẽ ra chuyển tiếp. Khi trở về thuyền thì thấy hai cha con Vân đã chuyển được một phần lớn máy móc lên bờ. Tôi thấy ân hận, vì công việc mà quên mất Vân.

- Anh xin lỗi Vân để Vân và bố vất vả quá.

Vân chỉ trả lời bằng ánh mắt.

Hàng đã chất đầy lên hai chiếc xe bò. Tôi thấy bồi hồi sắp phải xa Vân, xa ông Kết tốt bụng và xa con đò chưa biết bao giờ gặp lại. Tôi tính tìm Vân thì Vân đã chạy lại. Nắm tay Vân, tôi bùi ngùi:

- Anh phải đi rồi Vân ạ, … nhớ em, … mong em và bố mạnh khỏe.

Vân không nói gì, tôi biết là Vân đang khóc. Đột nhiên, Vân ôm choàng lấy tôi, gục đầu vào vai tôi. Một vệt nước ấm thấm vào cổ tôi. Vân nghẹn ngào:

- Anh nói là anh trở lại mà…

Vầng trăng lưỡi liềm cuối tháng nhô ra khỏi mỏm núi, trên các ngọn cây trơ cành vì bom đạn, nhìn xuống hai chúng tôi. Tôi vội gỡ Vân ra, quay đầu tìm Lợi sợ Lợi biết. May thay, Lợi đã theo xe không nhìn thấy Vân và tôi.

- Anh phải đi Vân ạ, được, anh sẽ tìm Vân.

- Cẩm Bình anh nhớ!

Vân gào vọng theo tôi trong lúc tôi vội chạy đuổi theo xe và cũng để dứt nỗi buồn.

Chuyện may cho tôi và cũng không may cho tôi, tôi được đi học nước ngoài. Về nước tôi về ngay Cẩm Bình nhưng Cẩm Bình chỉ còn là một hồ nước mênh mang giữa rừng hoang và núi đá, nhường chỗ cho một đập thủy điện. Tôi vội tìm về khu tái định cư nhưng không ai biết gia đình Vân đã đi đâu về đâu.

***

Tôi ngừng bút cả tuần, đắn đo không biết có nên kể câu chuyện không hay giữa một bộ phận nhỏ của Nhà in Quân đội Nhân dân và một đơn vị vũ trang của Tỉnh đội Phú Thọ. Mà chuyện đã không hay như thế ắt phải tuyệt mật. Cuối cùng, tôi quyết định phải viết. Lẽ thứ nhất, tôi là người trong cuộc, ít tuổi nhất mà nay đã sang tuổi 90, chắc gì những người khác nhiều tuổi hơn còn sống. Vậy cần kể ra để nói lên sự thật mà chỉ còn mình tôi biết chính xác. Đây không phải là mâu thuẫn gì giữa hai đơn vị, như sau này đã tam sao thất bản. Đầu đuôi câu chuyện như sau:

Ngày nay mỗi khi cầm tờ báo trên tay, chắc không ai nghĩ rằng để có được tờ báo đã có bao nhiêu khó khăn, ngoại trừ người đọc thấy được nỗi vất vả của các cây bút phóng sự điều tra. Còn về chuyện in ấn, nay với công nghệ hiện đại lại càng không ai biết tới việc in báo những năm năm mươi của thế kỷ trước khó khăn, thiếu thốn đến mức nào.

Việc in báo hiện nay đều được tự động, sau khi cẩu các cuộn giấy có đường kính trên một mét đến đầu dây chuyền của máy in, sau đó mọi công đoạn sẽ hoàn toàn tự động, tự xén giấy, tự đưa giấy vào máy, tự lồng trang trong trang ngoài, tự đếm số lượng, tự xếp gọn từng chồng báo, v.v… thì mọi “tự” ấy đều như một giấc mơ khi in ấn các số đầu tiên báo Quân đội Nhân dân. Công nghệ in ấy vẫn kéo dài cho đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

Thời kỳ Pháp cai trị nước ta, cả Đông Dương có hai nhà máy in lớn nhất của chủ người Pháp, nhà in Viễn Đông (Imprimerie d’ Extrême-Orient) viết tắt là IDEO, tọa lạc đối diện với nhà máy điện Yên Phụ, có chi nhánh cả ở Sài Gòn và nhà in Taupin tọa lạc tại phố Tràng Tiền, sau năm 1954 trở thành nhà in báo Nhân Dân.

Tôi còn nhớ hồi đó những gánh giấy từ nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở Hạ Hòa, Phú Thọ (sau này mới chuyển sang Thái Nguyên), chuyển tới nhà in Quân đội Nhân dân phải gánh bằng đôi vai. Xe thồ chưa được “phát minh”. Ngân, quê Bắc Giang, người vạm vỡ, mỗi lần xén giấy, anh nhảy lên cán con dao dài hơn một mét, dùng sức nặng cơ thể, đánh đu xuống mới xén nổi (nhà in có nhiều cỡ dao xén giấy, Ngân phụ trách loại dài nhất). Để đếm giấy, các công nhân nhà sách phải nắm góc tờ giấy, làm xòe ra như những nan quạt rồi đếm năm tờ một lại luồn ngón tay vào làm vạch nhớ. Để gấp tờ báo, mỗi người phải tự tạo lấy một thanh que, gấp đôi góc trang báo lại rồi quệt một cái thành đường gấp. Công đoạn in nào cũng có sáng kiến để khắc phục. Tuy nhiên theo tôi, khâu tôi cảm phục nhất là khâu làm lô cho máy in của anh Thọ…

Tuy vậy những khó khăn trên đã không sinh chuyện với Tỉnh đội Phú Thọ. Máy in cần hai thứ mà không sáng kiến vượt khó nào vượt nổi, đó là mực in và các con chữ bằng chì, rất chóng mòn vì in trên giấy cứng làm bằng nguyên liệu của bột cây giang chứ không phải bằng bột cây dó rất hiếm do chiến tranh. Ở vị thế người trình bày báo, tôi không biết sáng kiến thành lập Tổ tiếp liệu là của ai, của cấp nào, mà khi tôi được cử sang đó thì tổ đã được thành lập do anh Nguyễn Quý Chất phụ trách cùng hai chiến sĩ là Mưu và Độ. Tôi cũng không biết có phải do quen biết đó và cần tăng cường nên anh Chất xin tôi sang hay không.

Tổ đóng quân ở làng Sơn Vy, đối diện qua sông Hồng là xã Cổ Đô, gần Trung Hà, nơi quân đội Pháp đã chiếm đóng. Tôi có nhiều kỷ niệm ở đây, do công việc tiếp liệu nên ở đây tới vài tháng, một làng mang đậm chất quê. Trên đầm lúc nào cũng có vài ba con thuyền với lưới, mỗi khi cất vó xong lại gác lưới lên mũi thuyền, như một bức tranh sơn thủy, chúng tôi vẫn ra mua cá ở đấy. Giữa cánh đồng rộng, rải rác vài quán nghỉ trưa dưới bóng cây đa cổ thụ.

Trước chiến tranh để sống với cảnh quê này, chúng tôi gồm cả anh Trường, sau này là nhạc sĩ Phong Nhã với bài hát có câu “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng” nổi tiếng. Sơn Vy cũng là nơi tôi thoát chết do chưa biết trong số quân đội Pháp đóng bên Cổ Đô, có một sĩ quan, dân vẫn gọi là Tây lùn, đã bắn qua sông rộng trúng người đứng trên mặt đê bên này lúc ban ngày. Hồi đó chưa ai biết đến “ống ngắm” gắn vào súng trường. Khi mới nhận công tác, tôi ra đê để quan sát chỗ tập kết hàng, vừa bước xuống khỏi bụi tre cạnh điếm canh đê, thì một viên đạn bay tới chỗ tôi vừa đứng.

Chọn Sơn Vy làm chỗ đóng quân vì một lẽ nữa. Vẫn con đê chạy từ thị xã Phú Thọ xuống nhưng đến đây, ven đê đã không còn dân cư, chỉ lẻ loi một điếm canh đê bên một bụi tre đơn độc. Đêm xuống, trên con đê vắng vẻ này lại tấp nập một cái chợ đủ thứ hàng hóa, nhu yếu phẩm mang từ vùng tạm chiếm ra mà vùng tự do không có, mang tên khá buồn cười: chợ Sờ. Sở dĩ chợ có tên đó vì chợ họp vào đêm, người mua người bán chỉ sờ tiền, còn vì vắng tên Tây lùn vừa kể, mỗi khi chiều xuống, hắn lại theo đoàn quân chiếm đóng kéo về Trung Hà để tránh các cuộc tập kích của du kích.

Tổ Tiếp liệu cung cấp mọi văn phòng phẩm như: máy đánh chữ, giấy than, ruy-băng máy đánh chữ, giấy pơ-luya, bút chì, bút máy, mực, đèn pin, rồi cả xe đạp, xe bình bịch (khi đó chưa có xe mô-tô), v.v… Cho đến ngày xảy ra chuyện.

Cái đêm hôm ấy…

Vào khoảng 2 giờ sáng, chợ Sờ đã tan; anh Chất, như thường lệ, dẫn tổ trèo lên mặt đê, đứng núp vào bờ tường của điếm canh đê, ngóng nhìn sang bên Cổ Đô để đợi tín hiệu. Mật hiệu đêm đó là hai đất, một trời. Với một chiếc đèn pin có thể tạo ra hàng ngàn kiểu mật hiệu. Hai đất, một trời là bấm đèn hai lần xuống mặt đất xong bấm một lần lên trời. Khi thấy mật hiệu bên Cổ Đô, anh Chất liền bấm đèn trả lời bằng mật hiệu ngược lại: hai trời, một đất. Mọi người mừng khôn xiết bởi không phải đêm nào cứ hai giờ sáng đứng chờ bên điếm canh đê là nhận được tín hiệu hàng sang.

Hàng đêm đó là xe đạp, vật liệu văn phòng phẩm, mấy thùng mực in, vài hộp chữ chì. Hôm sau, Mưu đạp xe về đơn vị thông báo và xin thêm người gánh hàng. Đợi đủ người và hàng hóa đóng gói xong, anh Chất cho đoàn lên đường ngay.

Khi đoàn gần tới thị xã Phú Thọ thì một tiếng hô lớn: “Đứng lại”, tiếp theo là vài chục người xuất hiện. Độ hạ súng tiểu liên từ vai xuống, chưa kịp làm gì thì một viên đạn trúng vào bắp thịt phía trên mắt cá chân. Anh Chất vội giơ tay và hô lớn:

- Đừng bắn, tôi gặp chỉ huy đơn vị.

Cũng chưa kịp làm gì thì anh đã bị trói ngay lại. Trước tình hình đó, anh Chất đề nghị: Một, đồng ý cho giam giữ người và hàng, để nguyên đai nguyên kiện, không tháo mở kiểm tra; Hai, thả một người về đơn vị thông báo; Ba, cho người đưa Độ đi điều trị.

Chỉ huy bên Tỉnh đội đồng ý. Nhưng Độ xin về Hòa Bình là quê anh chữa theo phương pháp cổ truyền của dân tộc anh. Còn Mưu được thả. Khi Mưu gặp tôi báo cáo lại sự việc, tôi vội bảo Mưu đạp nhanh xe lên Văn phòng Bộ.

Mọi việc rồi cũng được dàn xếp ổn thỏa, anh Chất được thả và hàng được giải tỏa, Độ trở lại đơn vị mang theo đầu đạn đã găm vào bắp chân anh, nhưng từ đó Tổ tiếp liệu không còn nữa.

Trong sự cố này, tôi có một chuyện không may nhưng như các cụ thường nói, trong cái rủi lại có cái may. Do đêm nào vào khoảng tan chợ, chúng tôi đều phải trèo lên mặt đê, ngóng sang bên Cổ Đô để chờ mật hiệu dưới trời rét như cắt thịt, mà sau này có từ rét đậm, rét hại, nên tôi mua ở chợ Sờ một chiếc áo gió, mặc được hai mặt, cổ tay, gấu áo có viền len để gió đỡ lùa vào người. Tôi cũng vô tư mặc về đơn vị, mỗi khi đưa hàng về. Cho đến một hôm, Thuật, chi ủy viên, người được phân công “giác ngộ” tôi về cách mạng qua lớp cảm tình đảng, rồi lớp đối tượng để kết nạp đảng, bảo tôi:

- Chi bộ nhận xét, đồng chí mới về gần vùng địch, đã nhiễm tính hưởng thụ của giai cấp tư sản.

Tôi thanh minh lý do phải mua chiếc áo đó, rồi sau, xin trở về với công tác chuyên môn của tôi là trình bày sách, báo. Tôi không trách gì Thuật, Thuật chỉ mới biết đọc biết viết…

Viết đến đây tôi thấy cần phải nhắc lại, đây không phải là mâu thuẫn gì giữa một bên là quân chủ lực, một bên là tỉnh đội địa phương. Điều hiển nhiên là, bên phía chúng tôi, phải lo bảo toàn hàng hóa, bên phía tỉnh đội, hiển nhiên phải cảnh giác với đơn vị lạ hoạt động trong địa phương của mình. Nói tóm lại, cả hai bên đều vì hoàn thành tối đa trách nhiệm được giao. Cũng cần nhắc lại là cách mạng mới thành công được vài năm, mọi hành xử vẫn còn sơ đẳng lắm. Ngày nay nhắc đến một chuyện mà nghe “không thể tin nổi!”: cá nhân hoặc tập thể nếu mang trong người ba mảnh vải rời dù nhỏ xíu có ba màu xanh, trắng, đỏ là màu quốc kỳ Pháp; hoặc một mảnh gương soi, coi là báo hiệu cho máy bay địch, lập tức bị bắt giam. Ngày nay, việc hiếm hoi của Tổ tiếp liệu và Tỉnh đội Phú Thọ kể trên chỉ cần một tiếng đồng hồ đối thoại là ổn.

………

Năm 2015, ngày 20 tháng 10, nhân kỷ niệm 65 năm ngày báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên, anh Phạm Văn Huấn, Thiếu tướng Tổng Biên tập, có nhã ý “chiêu đãi” Ban Liên lạc truyền thống Báo Quân đội Nhân dân bộ phận phía Nam, một chuyến ra Bắc.

Mọi sự kiện đã qua những ngày đầu ra báo, đến với tôi như một cuốn phim tư liệu nhiều tập. Đầy ắp các kỷ niệm vui, buồn. Nhiều kỷ niệm không thể viết hết ra đây như những ngày “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế. Gió qua rừng Đèo Khế gió sang” (Thơ Tố Hữu), tắm ở bìa rừng, phải tắm theo “chiến thuật vết dầu loang” để chống rét, tức là tắm trước hết từng chân một, xong mới tắm từng cánh tay, tiếp đó mới “đánh vu hồi” lên ngực, lên lưng để cuối cùng mới “tổng tiến công” dội nước chớp nhoáng toàn thân. Rồi những buổi sáng vội vàng bật dậy sau tiếng kẻng, mắt nhắm mắt mở, xỏ chân vào vớ, thấy lùng nhùng đầu ngón, rút chân ra, rũ vớ thì một con cóc trốn rét chui vào. Rồi những ngày chủ nhật vào bản mua chục trứng về “giỗ tổ nghề” (!!!), v.v… Và nhiều ấn tượng sâu sắc đối với tôi về cái chợ Sờ.

Dưới ánh sáng mờ mờ ăn theo ánh sáng điện của Trung Hà, Sơn Tây và Hà Nội chiếu lên trời rồi hắt xuống, chợ họp âm thầm lặng lẽ bên bờ sông, trên một đoạn chỉ dài vài trăm mét của con đê, bề ngang mặt đê khoảng 4 mét, lẻ loi, đơn độc. Trên tấm ni lông trải xuống mặt đê, nhờ ánh sáng ăn theo, hiện ra những chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu vi-lơ, những chiếc bút máy, áo quần đủ màu, đủ kiểu, đủ kích cỡ, những con dao sáu lưỡi, những hộp sữa, những viên đá lửa, đèn pin và các viên pin. Người mua chỉ ghé vào tai chiếc đồng hồ ấy nghe tiếng tích-tắc; chiếc bút máy ấy chỉ cần mở nắp ra, cà cà ngòi bút vào lòng bàn tay thấy êm êm là đủ lòng tin đó là hàng mới, hàng thật. Người bán trao hàng, người mua trao tiền, người bán sờ mặt tờ giấy bạc thấy nhẵn mịn thế là biết tiền vùng giải phóng. Bên trao tiền, bên trao hàng cũng trao luôn cả lòng chân thật. Một xã hội mà con người với con người không còn phải cảnh giác với nhau. Tôi cũng như nhiều người ngày nay nghĩ tới một điều ước “bao giờ cho đến… ngày xưa”.

logo logo