Danh mục

Nguyễn Trọng Xuất - Ngày: 20/06/2019

SỰ RA ĐỜI, PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA

PHÒNG KỸ THUẬT-ĐIỆN BÁO THÔNG TẤN XÃ GIẢI PHÓNG

Lê Quang Nghĩa

  1. uối năm 1954, hầu hết cán bộ Phòng Việt Nam Thông Tấn Xã (VNTTX) - chi nhánh Nam Bộ tập kết ra miền Bắc, bản tin VNTTX tạm ngưng.

Đầu năm 1955, tại Sài Gòn, Ban Tuyên huấn Xứ Ủy Nam Bộ giao cho đ/c Nguyễn Văn Hạng (Ba Đỗ) - nguyên phụ trách VNTTX Nam Bộ và đ/c Lê Quang Nghĩa (Sáu Nghĩa) - nguyên cán bộ Thông tin Vô tuyến điện Phân Liên Khu miền Đông Nam Bộ (cả 2 đ/c được Đảng giữ lại miền Nam sau Hiệp nghị Genève), có nhiệm vụ thu bản tin VNTTX phát hàng ngày cho miền Nam để ra bản tin phục vụ lãnh đạo và phát hành đi các nơi.

Thời gian này do địch còn bận đối phó nội bộ chưa tập trung mạnh đánh phá cách mạng, nhưng việc ngồi mang tai nghe loại lớn trùm qua đầu thu tin “morse” của Hà Nội giữa ban ngày tại Sài Gòn là điều rất nguy hiểm. Để che mắt địch, máy thu tin là chiếc radio Philips loại lớn của đ/c Trần Bạch Đằng đưa từ chiến khu về, đ/c Ba Đỗ ráp một thiết bị nhỏ dùng thu “morse” lắp thêm vào, thu xong lại tháo ra cất giấu, máy radio trở lại bình thường. Chổ làm việc ngồi thu tin là phòng ngủ của vợ chồng chủ nhà cơ sở cách mạng. Mỗi lần ngồi vào thu tin suốt hai giờ đồng hồ phải giả là người đau ốm, đầu đội khăn ngụy trang che khuất bộ tai nghe, thu xong lại bí mật đi giao tin ở điểm hẹn. Việc cất giấu mấy tờ giấy pelure viết tin mang đi đường cũng là vấn đề nguy hiểm phải thường xuyên thay đổi cách cất giấu và địa điểm giao tin. Địa chỉ làm việc cũng thường thay đổi để tránh địch phát hiện.

Đến năm 1957, địch đánh phá ráo riết phải ngưng thu tin. Một bộ phận lãnh đạo quan trọng phải chuyển đi xa, bộ phận ở lại Sài Gòn tiếp tục công tác quần chúng giữ liên lạc với cơ sở. Chiếc radio Philips được giao cho một đ/c cất giữ đến sau ngày 30/4/1975 vẫn còn, và cơ quan Thông tấn xã đã nhận về, sau được gởi cùng những máy móc “truyền thống” của TTXGP ra Hà Nội lưu giữ trưng bày tại phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam.

Đầu năm 1960, tình hình cách mạng miền Nam chuyển sang bước ngoặt. Sau chiến thắng “Tua Hai”, cơ quan lãnh đạo Xứ Ủy dời về căn cứ Dương Minh Châu bấy giờ đã có vùng giải phóng. Theo yêu cầu công tác thông tin tuyên truyền của Đảng, Thông tấn xã Giải phóng được thành lập. Đ/c Đỗ Văn Ba được giao nhiệm vụ chuẩn bị khẩn trương xây dựng bộ phận Điện báo và phương tiện kỹ thuật thu phát tin. Sau một thời gian ngắn tập hợp lực lượng gồm mấy cán bộ điện báo cũ sau Hiệp định Genève còn ở lại và một số thanh niên nòng cốt từ các địa phương thoát ly tham gia cách mạng được đưa về. Cấp trên điều về một máy phát sóng 15 watt và một máy phát điện quay tay (ra-gô-nô) của Trung Quốc do Trung Ương đưa vào theo tàu chở quân tập kết, được bí mật cất giấu. Máy bị ẩm ướt phải phơi sấy kỹ mới cho quay chạy thử. Không có đồng hồ đo điện, anh em phải dùng tay kiểm tra nguồn điện phát ra bất chấp bị điện giật. Kết quả máy phát chạy tốt. Với ít hiểu biết về kỹ thuật vô tuyến điện, các đồng chí tìm vật liệu linh kiện lắp 2 máy thu “morse” để làm việc và thu tin VNTTX Hà Nội. Bộ phận kỹ thuật – điện báo (sau là Phòng Kỹ thuật – Điện báo) ra đời từ đó.

Ngày 12/10/1960 lúc 19 giờ, một sự kiện quan trọng của Ngành làm nức lòng mọi người, tại khu rừng già Chàng Riệc (Tây Ninh), máy phát sóng 15 watt phát bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải Phóng dưới hô hiệu LPA (Libération Press Agency) được VNTTX Hà Nội nhận được tín hiệu tốt và phát lại bằng máy phát công suất lớn cho toàn quốc và ra thế giới, chuẩn bị dư luận cho việc công bố Tuyên cáo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960. Và ngày 12/10/1960 được cơ quan chính thức công nhận là ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng.

Sau một thời gian ngắn, cuối năm 1960, cơ quan Xứ Ủy chuyển căn cứ về vùng Mã Đà (Chiến khu Đ). Bộ phận kỹ thuật – điện báo đi theo phục vụ, đóng trên vùng đồi cách Ban Tuyên huấn hơn một giờ đường đồi dốc. Về nhân sự lúc bấy giờ chỉ có 3 cán bộ cũ thời kỳ chống Pháp còn ở lại là: đ/c Đỗ Văn Ba, đ/c Đặng Công Chính (Chính Chiêu) và đ/c Lê Quang Nghĩa, cùng một số thanh niên gồm các đ/c Võ Thành Thọ (Việt kiều Campuchia, là công nhân máy phát điện), Tạ Công Thắng (Bảy Lợi), Đoàn Văn Thiều, Đặng Văn Song, Phùng Văn Dựng, Võ Văn Khuê, Trương Văn Phia và Trần Văn An, từ các địa phương: Bến Tre, Củ Chi, Trà Vinh được tập hợp đưa về.

Phần lớn anh em trình độ văn hóa thấp phải vừa học bổ túc văn hóa, vừa chọn một số để đào tạo chuyên môn điện báo. Trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ: giấy, viết; khi viết hết đem xuống suối ngâm cho trôi hết mực, đem ra nắng phơi khô để viết lại nhiều lần; không có ma-níp học morse, anh em nhìn chiếc ma-níp làm việc đẽo bằng cây cho giống, dùng dây cao su thay lò xo thép đàn hồi, đóng hai đầu đinh để gõ nghe tiếng lọc cọc của tín hiệu. Sáu tháng sau, anh em bắt đầu thực tập bằng nghe tiếng gọi của ra-gô-nô khi quay phát tin và ngồi nghe kèm khi làm việc, lần lần đã nhanh chóng trở thành điện báo viên chính thức về sau là cán bộ chuyên môn cốt cán của TTXGP. Sau đó, tại căn cứ này, Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục bổ sung cho 2 điện báo viên vừa mãn khóa đào tạo là đ/c Phạm Văn Đệ và Lê Thanh Tùng.

Từ ngày phát sóng đầu tiên đến cuối năm 1961 đầu 1962, TTXGP mở rộng mạng lưới hoạt động phát tin và liên lạc 2 chiều với VNTTX, thu các bản tin VNTTX, móc liên lạc nhận tin với các Phân xã miền Đông (KIG), miền Trung (GFM), miền Tây (POF), khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, khu 6 (cực Nam Trung Bộ), khu 5 (Trung Bộ) và một số tỉnh đã có điện đài. Nguồn điện thời gian này ngoài chiếc ra-gô-nô TQ, được cấp thêm 1 ra-gô-nô Mỹ và một máy phát điện 1,5 KVA Mỹ (thu chiến lợi phẩm trận đánh chiếm chi khu Phước Thành).

Cuối năm 1961 chuyển căn cứ từ Mã Đà về Tây Ninh, máy phát điện 1,5 KVA vì nặng nề phải đổi máy 600W nhẹ gọn để tháo rời bỏ vào thùng thiếc mang theo đến nơi ráp lại chạy tạm thời gian đầu. Trong 2 cuộc di chuyển dài ngày từ chiên khu Tây Ninh về chiến khu Đ và từ đây trở lại Tây Ninh, trên đường hành quân khi đến giờ phát tin thì dừng lại đặt máy thu phát dùng ra-gô-nô và máy thu chạy pin căng ăng-ten làm việc, liên lạc phát xong bản tin ra Hà Nội lại thu dọn tiếp tục hành quân.

Sang năm 1962, sau khi từ chiến khu Đ về đóng căn cứ tại bìa trảng “cố vấn” gần biên giới CPC (trảng này thời chống Pháp, đoàn cố vấn quân sự của ta giúp quân kháng chiến CPC (Issarak) đóng ở đây nên sau đó trở thành địa danh luôn). Từ linh kiện xin chiến lợi phẩm và xin đơn vị bạn, anh em tự lắp một máy phát sóng 15 watt, 2 máy thu “si-nen” (schnell), dựng thêm 1 đài liên lạc 2 chiều thu tin các địa phương đã móc liên lạc được và lắp đặt thêm 1 hệ thu tin VNTTX.

Năm 1963, lực lượng lao động lần lượt được bổ sung thêm các đ/c Đào Văn Chón, Lê Văn Trinh, Lâm Văn Đức, chị Chín Chiêu. Sau đó thêm các đ/c Phá, Cang, Thắng, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Quang, Trần Văn Minh, Trần Kim Tốt. Về cán bộ chuyên môn được Ban Thông tin liên lạc TWC tăng cường cho một cán bộ kỹ thuật là đ/c Phạm Văn Khoa và nhiều điện báo viên: đ/c Lê Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Huệ, Huỳnh Phong Quang, Nguyễn Tri Bửu, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Đức Tuấn, Nguyễn Xuân Thanh, đồng thời cấp cho một bộ máy thu phát 15 watt do xưởng lắp ráp; nhờ đó dựng thêm đài 3 chuyên phát CQ cho miền Nam và liên lạc bổ sung tin cho các nơi nhận morse.

Trong thời gian này, do mạng lưới TTXGP phát triển và nhu cầu thông tin ở các địa phương, ta tự lắp thêm 1 máy phát 15 watt và 1 máy thu để dựng thêm đài 4. Anh em điện báo phát huy kiến thức vừa học được cũng tham gia tự lắp 2 bộ máy thu phát nhỏ chạy pin gọn nhẹ cung cấp cho 2 mũi đi công tác với các phóng viên tin, ảnh theo các đơn vị chủ lực phục vụ chiến dịch.

Về nguồn điện trong năm 1962-1963 do máy Honda 600W từ Mã Đà mang về không đủ công suất cho công tác, được cấp một máy điện 3,5 KVA nhưng không có mô tơ kéo, anh em xin được một chiếc xe hơi Citroen 2 mã lực cũ, hư hỏng, đi kéo về tháo lấy máy. Đ/c Thọ, Bảy Lợi và anh em tổ chức đi cưa lấy sắt cầu hư đem về tự chế sườn giá lắp, sửa máy xe kéo, máy điện chạy được nhưng do máy cũ thường hư hỏng lại thiếu phụ tùng thay thế nên có lúc nguồn điện rất căng thẳng. Anh em đã tích cực khắc phục khó khăn phát huy sáng kiến, làm việc ngày đêm không nghỉ để sửa chữa cho kỳ được đảm bảo có nguồn điện liên tục cho công tác. Thời gian này chúng ta đảm trách luôn việc liên lạc phát tin bài của Đài Phát thanh Giải phóng ra Hà Nội để đài A phát bằng máy công suất cao ra thế giới và trong nước, khối lượng bài vở ngày càng nhiều. Ngoài ra ta còn mở thêm một hệ liên lạc mật mã giữa Ban Tuyên Huấn và Thường vụ TWC.

Cuối năm 1963 và liên tiếp các năm 1964 – 1965, VNTTX đã lần lượt đưa vào chi viện rất nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, điện báo tập kết trở về, nhiều điện báo viên mới đào tạo chính quy. Đầu tiên là đ/c Võ Văn Tòng (Ba Lê) cán bộ kỹ thuật, Huỳnh Sơn (Tám Sơn) cán bộ điện báo; vào khoảng đầu 1965 đ/c Lê Trường Kỳ, Đặng Ngọc Châu (cán bộ điện báo), Dương Xuân Quang (kỹ sư) tiếp đến đ/c Ngô Dương Luận, Hoàng Thế Sơn cùng vào với hàng chục cán bộ chủ chốt công tác phóng viên, biên tập tin ảnh. Tiếp theo đến giữa năm 1965, một đoàn cán bộ kỹ thuật gồm các đ/c Nguyễn Văn Phấn (Ba Phấn), Ba Tây, Bảy Đón, Tư Khâu và 4 cán bộ điện báo do VNTTX đào tạo gồm các đ/c: Nguyễn Kim Mai (Nam Khương), Nguyễn Văn Bàng (Châu), Phan Phi Phụng (Hùng), Nguyễn Hữu Nhường (Nam) cùng về tới cơ quan.

Cũng trong thời gian này, tại chỗ nhiều thanh niên thoát ly từ Bến Tre, Sài Gòn, Mỹ Tho, từ Campuchia về cũng được bổ sung như các đ/c Lê Việt Hòa, Võ Minh Thanh, Nguyễn Thanh Phương, Lê Công Thành, Phạm Vũ Vân, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Ngọc Sáng, Trần Quốc Hùng, Lê Trí… Ngoài ra trong đợt đưa cán bộ trẻ các cơ quan Ban Tuyên Huấn ra tăng cường lực lượng Vũ trang, ta đã tuyển nhiều thanh niên về để đào tạo điện báo viên như các em: Huỳnh Văn Khánh, Lê Văn Bảo, Nguyễn Hùng Cứ, Nguyễn Thành Tri, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Minh Chí, Đặng Văn Tấn, Đinh Hữu Lễ, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thanh Phong, Ca Vĩnh Chiến… Được Ban Thông tin liên lạc TWC đồng ý, ta gởi sang trường của Ban đào tạo hàng chục điện báo viên.

Lúc này lực lượng tại chỗ cùng với lực lượng chi viện từ miền Bắc, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và điện báo của Phòng đã khá mạnh đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu công tác của cơ quan. Cuối năm 1964 và sang 1965 ta lắp thêm 2 máy phát công suất lớn hơn (50 watt): 1 máy chuyên phát tin cho miền Nam (thay máy 15 watt đưa qua liên lạc 2 chiều với các nơi) và 1 máy 50 watt lắp trong đợt thi đua hưởng ứng “Tuần lễ ủng hộ Cuba” (26/7/1967), hoàn thành kế hoạch dựng Đài Phát tin và liên lạc với VNTTX (đài 5), máy 15 watt cũ dành riêng phát tin bài cho Đài Phát thanh Giải phóng, lắp thêm nhiều máy thu phát dựng thêm 2 đài (đài 6 và đài 7) và đài chuyên trách hệ mật mã (đài 8). Ngoài ra còn lắp thêm một số máy phát gọn nhẹ chạy ra-gô-nô Mỹ, dùng máy thu chạy pin TQ do VNTTX gởi vào để các tổ công tác đi phục vụ chiến dịch.

Có thể nói thời gian này hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện của TTXGP phát triển rất rộng. Ngoài việc phát tin và liên lạc 2 chiều liên tục ngày đêm ra Hà Nội với khối lượng tin tức ngày càng nhiều, thu 2 hệ tin thởi sự và tin tham khảo của VNTTX, liên lạc phát tin bài cho Đài Phát thanh Giải phóng, hệ mật mã của Ban Tuyên Huấn. Trong miền Nam đã liên lạc thu tin của tất cả các Phân xã Khu và phần lớn các tỉnh, cả phân xã Trị Thiên, Khu 5 và một số đơn vị chủ lực Quân Giải phóng khu vực Trung Bộ, Cục chính trị Quân Giải phóng Miền, các đài tiền phương của ta cử đi theo các đơn vị chủ lực. Mạng lưới thông tin mở rộng gần 50 đối tượng. Tại căn cứ có 8 đài thu phát lớn nhỏ, 2 đài thu tin VNTTX và các đài tiền phương. Nguồn điện máy cũ không còn sử dụng, ta dùng 2 máy phát điện 5KVA mới mua từ nước bạn thay đổi chạy liên tục, ngoài ra còn nhiều máy phát điện Honda 300W dự phòng khi tình hình động không chạy máy lớn được và hàng chục máy phát điện quay tay (ra-gô-nô) dự phòng tình hình địch càn quét phải hành quân chống càn, hệ thống máy phát điện lớn và đường dây được chôn cất. Toàn bộ máy phát điện và điện đài đều làm việc dưới hầm có nắp kiên cố để tránh máy bay. Nhiều nhà báo nước ngoài vào thăm, xuống hầm xem anh chị em làm việc rất cảm kích và khâm phục, như nhà báo Úc Burchett, nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, nữ nhà báo Ba Lan Monica, nữ nhà báo Cuba Marta, đoàn nhà báo Trung Quốc Tân Hoa Xã.

Cuối năm 1965 và qua năm 1966-1967, VNTTX gởi vào 2 máy thu lớn (WS430) để thu tin VNTTX, một số máy thu phát 15W của TQ, cử thêm nhiều cán bộ kỹ thuật và điện báo nghề nghiệp lâu năm như các đ/c Phan Văn Hạnh (Sáu Hạnh), Lâm Cảnh Tư, Dương Công Nhạn (Chín Nhạn), Đào Ngọc Đăng, Sáu Ngọc, Năm Miện, Nguyễn Thế Quỳnh, Lâm Quang Thu, Ngọc Sơn, Nguyễn Nam Kim (kỹ sư), Nguyễn Bon… Tại chỗ có đ/c Trương Hải Thùy (nữ du kích Củ Chi), đ/c Nguyễn Công Danh (quê Trảng Bàng, Tây Ninh) cũng thoát ly vào TTXGP. Ta đã có thường xuyên 3 đài cùng các Tổ phóng viên tin ảnh đi chiến dịch luôn bám sát 3 Sư đoàn chủ lực 5, 7 và 9.

Do nhu cầu phát triển, năm 1966, theo quyết định của Ban Tuyên Huấn ta đã chuyển đài phát tin bài ra Hà Nội cho đài A qua cho Đài Phát thanh Giải phóng quản lý do đ/c Lâm Cảnh Tư là Trưởng đài, 2 đ/c Nguyễn Văn Huệ và Xuân Thạnh là điện báo viên. Đồng thời cũng chuyển đài mật mã về Văn phòng Ban Tuyên Huấn do đ/c Dương Công Nhạn làm Trưởng đài và đ/c Thanh Phong là điện báo viên. Cũng trong năm này trong đợt Ban Tuyên Huấn điều cán bộ qua tăng cường lực lượng an toàn khu (Ban An Ninh R), phòng có 5 đ/c được điều đi: đ/c Bảy Đón, Ba Tây, Tư Khâu, Nguyễn Tri Bữu và đ/c Mãnh. Trước đó 2 đ/c Cang và Thắng cũng được đưa đi bộ đội.

Cấp trên nắm được ý đồ và kế hoạch của địch, đã chỉ đạo khẩn trương di chuyển, xây dựng căn cứ mới và căn cứ dự bị, chúng ta đã triển khai phục vụ đợt chống càn Junction City của Mỹ vào tháng 3/1967 tại căn cứ và đưa một số đài đi với phóng viên theo các đơn vị chủ lực đánh địch càn quét, đưa tin chiến sự về phát ra Hà Nội và các nơi. Máy phát điện lớn nhỏ được chôn giấu, phải dùng ra-gô-nô Mỹ nhưng phần lớn bị hư đã quấn lại. Riêng đài liên lạc phát tin ra VNTTX phải tập trung nhiều máy, mỗi cái chỉ quay phát điện 15 phút bị nóng phải thay đổi liên tục, đảm bảo làn sóng thu phát tin không bị tắt.

Cuối năm 1967 chuẩn bị phục vụ tình hình mới, cơ quan cử nhiều cán bộ đi các địa phương tuyển hàng chục tân binh về cho các bộ phận. Phòng cũng được bổ sung lực lượng hùng hậu nam nữ thanh niên khỏe mạnh nhiệt huyết hăng say công tác, trong đó có đồng chí Dương Văn Kênh, sau này là Phó giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP.HCM. Các đồng chí khác cũng trưởng thành như các đồng chí: Trần Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Tao, Nguyễn Minh Hưng, Nguyễn Thu Duyên, Nguyễn Đô Lương, Ngô Thanh Tra, Trần Thị Nhung, Lê Hoàng Dũng, Lê Thị Thu Hương, Lê Thu Nga, Phan Thị Liên (Nga), Nguyễn Hoàng Bạo, Nguyễn Thanh Nga, Võ Thị Kim Huệ, Tạ Thanh Khiêm, Võ Đăng Phương, Đặng Văn Sinh, Trần Thanh Tâm, Lê Minh Sáng, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Văn Lộc, Phạm Trọng Tiệp, Đặng Văn Thi, Nguyễn Thị Thanh Kiều, Trần Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Văn Hoàng, Phan Thị Thắm, Bùi Thế Hòa, Mai Hữu Phúc, Trương Minh Hải… Phòng đã chọn hàng chục đ/c để mở lớp đào tạo điện báo viên tại chức do đ/c Lê Trường Kỳ huấn luyện và đào tạo thành điện báo viên.

Đầu tháng 1/1968 phục vụ đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân, phòng đã cử điện đài đi mũi chính và 3 điện đài đi các phân khu với phóng viên tin ảnh, dùng máy thu phát 15 watt TQ. Trong số này khi vào các đợt có 1 đài Long An bị bom địch trúng hầm khi đang làm việc, hy sinh toàn bộ 3 điện báo viên gồm 2 đ/c của phòng là Phạm Văn Đệ (trưởng đài), Nguyễn Hữu Nhường và 1 điện báo viên của địa phương với tất cả máy móc thiết bị và vũ khí.

Trong suốt chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ở Tổng xã TTXGP có 14 đ/c hy sinh trong đó có 5 đ/c là Trưởng đài và điện báo viên, không kể rất nhiều đồng nghiệp ở các Phân xã khu, tỉnh hy sinh (sau giải phóng chúng ta mới biết). Sau Mậu Thân, có 2 nữ điện báo viên của Khu 6 chuyển về là đ/c Thu Hiền và Hồng Trang.

Qua các năm 1969-70-71 ta liên tục đối phó và phục vụ các đợt chống càn, đánh các cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy ở biên giới, phục vụ các chiến dịch của quân chủ lực, liên tục di chuyển cơ quan, chúng ta vừa bảo toàn lực lượng bảo vệ kho tàng máy móc thiết bị, vừa đảm bảo việc thu phát tin liên tục với tất cả các địa phương, các chiến trường và chuyển về Tổng xã Hà Nội.

Năm 1972 phục vụ chiến dịch Nguyễn Huệ, ta đã cử một số đài đi các mũi cùng với phóng viên tin ảnh, bám sát các mặt trận, quân giải phóng đã giải phóng Xa Mát, Thiện Ngôn, Lộc Ninh, Bù Đốp… Tại căn cứ, ta tổ chức tốt việc đi tiếp nhận số lượng lớn hàng từ miền Bắc đưa vào (sau chuyến trở ra Hà Nội xin viện trợ của đ/c Hai Luận), trong đó có máy phát 500 watt, máy thu phát ảnh vô tuyến (téléphoto), máy đục băng (perforateur) để phát morse, rất nhiều máy thu phát 15 watt, để trang bị lại các Đài và cung cấp cho các địa phương, nhiều máy móc thiết bị khác. Nhiều cán bộ kỹ thuật và quản lý như đ/c Đinh Mẫn (cán bộ sử dụngtéléphoto đã vào trước), đ/c Trương Văn Hoa, Đỗ Thanh Chất và Chu Văn Biện (đi áp tải hàng). Ta đã xây dựng hàng chục kho tàng, tổ chức vận chuyển hàng về bảo quản tốt trong điều kiện rất nhiều khó khăn về đường sá và thời tiết. Máy phát sóng 500 watt, khai thác hiệu quả thiết bị thu phát ảnh vô tuyến ra Hà Nội (được Trung ương Cục gởi thơ khen) và cũng bắt đầu việc phát tin morse bằng máy đục băng (thay việc gõ ma-níp) bằng máy phát công suất lớn ra Hà Nội và các địa phương tăng công suất, khối lượng hiệu quả.

Sau Hiệp định Paris đến giữa năm 1973, một đoàn xe vận tải do VNTTX vượt Trường Sơn đưa rất nhiều máy móc thiết bị lớn, hiện đại cùng đông đảo cán bộ gồm cán bộ lãnh đạo là đ/c Trần Thanh Xuân, rất nhiều phóng viên, biên tập, đa số thuộc khóa GP10 của VNTTX và hàng chục cán bộ, kỹ thuật quản lý và vận hành máy thu phát télétype, téléphoto, trong đó có một kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật như đ/c Văn Văn Quí, Trương Can Đảm, Phạm Tấn Thành, Trương Công Dũng, Đoàn Đình Minh, Thái Hữu Chí, Hà Huy Hiệp (điện báo viên)… Ngoài ra có hàng chục cán bộ đi đường bộ cũng lần lượt tới nơi sau đó. Phòng kỹ thuật (B8/1) và phòng Điện Báo (B8/2) được tách ra từ B8 trước đó cùng lực lượng mới tăng cường, khẩn trương xây dựng nhà cửa, hầm hố lắp đặt máy phát điện 27KVA, máy phát sóng 1KW, máy thu phát télétype, téléphoto… tất cả bắt tay vào việc ngay, mở ra bước ngoặt mới cho công tác thông tin vô tuyến điện TTXGP. Suốt năm 1974 và qua đầu 1975, mọi công tác kỹ thuật và thu phát tin ảnh đều hoạt động tốt đáp ứng yêu cầu cấp trên giao, chuẩn bị mọi mặt sẵn sang phục vụ tình hình mới: giải phóng miền Nam.

Đặc biệt chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, cơ quan TTXGP tung ra 2 cánh quân lớn: cánh thứ nhất gồm nhiều mũi đi chiến trường, cánh thứ hai: một đoàn đông đảo cán bộ phóng viên biên tập, điện đài, cán bộ quản lý do đ/c Trần Thanh Xuân lãnh đạo chuẩn bị đi tiếp quản Việt Tấn Xã của ngụy quyền Sài Gòn.

Trưa ngày 30/4/1975, theo sát bộ đội chủ lực, một số mũi phóng viên và điện báo viên đã vào chốt ở cơ quan Việt Tấn Xã (118-120 Hồng Thập Tự nay là Nguyễn Thị Minh Khai) tiếp quản nguyên vẹn toàn bộ cơ sở máy móc thiết bị của Việt Tấn Xã (do bộ đội bàn giao lại). Việt Tấn Xã chỉ có máy thu tin mà không có máy phát, chúng ta phải dùng máy thu phát 15 watt liên lạc chuyển tin về căn cứ để phát ra Hà Nội bằng télétype. Hình ảnh chụp được cũng do anh em hỏa tốc chạy xe Honda đưa về căn cứ để phát vô tuyến. Ngay hôm sau một đoàn xe ô tô cấp tốc trở về căn cứ chuyển máy móc thiết bị xuống lắp đặt làm việc ngay bằng máy phát sóng 1KW, máy thu phát ảnh, télétype trực tiếp tại Sài Gòn.

Với thành tích xây dựng và phát triển từ không đến có, ngay từ những ngày đầu khi bộ máy TTXGP chưa hình thành, bộ phận kỹ thuật điện báo sau là Phòng Kỹ thuật – điện báo đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào truyền thống 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” mà Trung ương Cục đã khen tặng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước cho Thông tấn xã Giải Phóng.

logo logo