Danh mục
Nguyễn Trọng Xuất - Ngày: 20/06/2019
TẤM LÒNG NHÀ BÁO PHAN NGỌC HIỂN (*)
Từ nửa thế kỷ qua, lịch sử và nhân dân cả nước ghi công người anh hùng Phan Ngọc Hiển đã trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai (Cà Mau) vào ngày 13 tháng 12 năm 1940, là một điểm son trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tỉnh Cà Mau đặt tên huyện Ngọc Hiển cho vùng đất mũi, xây tượng đài, nghĩa trang riêng cho các liệt sĩ Hòn Khoai và lấy ngày 13 tháng 12 hàng năm làm ngày truyền thống vẻ vang của tỉnh.
Để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng, Phan Ngọc Hiển đã từng là thầy giáo, nhà báo xuất sắc. Riêng sự nghiệp báo chí, ông đã viết báo, viết văn, là nhà báo có uy tín lớn thời bấy giờ. Hội nhà báo tỉnh Cà Mau đã sưu tầm được 70 bài báo của Phan Ngọc Hiển đã đăng trên tờ Tân Tiến (1936–1937) ở Sài Gòn, nói lên lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, nỗi trăn trở với đời sống người dân lao động, lo toan đến việc cải cách xã hội, phát triển kinh tế, v.v…
Để được trực tiếp phản ánh bao nỗi bất công xã hội đương thời, bênh vực quyền lợi nhân dân, đả kích bọn tham quan ô lại cậy thế lực ngoại bang ức hiếp dân lành vô tội, Phan Ngọc Hiển thường dùng và thể hiện một cách thành công thể loại phóng sự, điều tra như loại súng “tiểu liên” hết sức cơ động linh hoạt gọn nhẹ ứng phó kịp thời có hiệu quả. Những bài “Vào quê”, “Trên sông lao động”, “Ông Gardien – quan một”, “Yêu cầu chính phủ ghé mắt vào lạm quyền”, “Kermesse Cần Thơ” … với lời văn bình dị dễ hiểu, với lập luận đanh thép như những “tràng đạn liên thanh” bắn thẳng vào bọn cường quyền gian ác.
Trong bài điều tra nhan đề “Về vụ kiểm lâm Cà Mau”, nhà báo Phan Ngọc Hiển đã trực tiếp phỏng vấn và chất vấn viên phó hương quản H., một vị hương chức làng Tân Ân:
- “Thưa anh, ở đây dân chuyên nghề gì đặng sống?
Vui vẻ, phó hương quản H. trả lời:
- Chỉ có hai nghề đại khái: một là nghề lưới, hai là nghề làm củi.
- Có thể khá được với hai nghề ấy chăng?
Lắc đầu, buồn hiu, anh H. tỏ lời thất vọng:
- Tay không chân rồi, chỉ đủ cơm nuôi sống: hai nghề ấy là phương tiện sanh hoạt ở đây, mà cũng là hai cái ách ở đây.
- Sao vậy?
- Thầy nghĩ coi, mỗi năm làm té tiền bộn chớ: nhưng về chài lưới thì các chủ bao đàn áp bọn làm lưới, về cây cối thì Sở Kiểm lâm tàn sát, thiệt làm không đủ tiền phạt cho kiểm lâm mà mỗi tên dân mỗi năm đóng cho nhà nước 6 cắc thuế công sưu rừng. Sáu cắc ấy đổi được vỏn vẹn 2 thước cây và 2000 tàu lá…
- Nếu dân không có lá đốn phải làm sao?
- Thì phải vác tiền lại mấy chú kể trên (bọn thầu) mua chớ sao.
- Như vậy, ngoài 6 cắc đóng thuế công sưu rừng, thì phải tốn tiền nữa mới có lá xài.
- Thì vậy chứ sao???
…
Ở chỗ này, tôi xin đánh ít dấu hỏi to cho nhà chức trách để ý:
- Có thể có chuyện ăn ý của người nắm quyền kiểm lâm với các tay giàu có chăng?
- Làm khổ cho dân, cho phép đốn lá trong chỗ không có lá phải một cách buộc dân vác tiền mua lá chăng?
Nhà báo còn trực tiếp phỏng vấn các nạn nhân trong vụ bị nhà nước lừa tập thể này, như anh cai tuần báo, anh Nguyễn Văn Vọng chở lá đi bán, anh Châu Công Đính mua lá cất nhà… đã kiến nghị thẳng:
“Sau khi rõ cách khó khăn của kiểm lâm, chúng tôi cũng lấy danh dự của chúng tôi mà yêu cầu Chánh phủ ba điều:
1) Sửa luật kiểm lâm lại cho rành rẽ,
2) Chánh phủ nên ngó đến đơn yêu cầu của dân,
3) Trừng trị hẳn hòi những người hành luật phạm quyền”.
…
Hay như bài “Yêu cầu Chánh phủ ghé mắt vào lạm quyền”, tác giả đã dẫn giải từ xa đến gần rồi đặt thẳng vào vấn đề:
“Ai lạm quyền: chỉ có người được Chánh phủ giao quyền.
Đối với hạng người ấy, tôi quả quyết cả tiếng rằng chúng nó là mối ăn cây hòa bình, là hột giống sanh cây phiến loạn… Vấn đề “lạm quyền” ở nông thôn rất tối quan hệ… Tôi quả quyết: Ở làng, dịch “lạm quyền” nặng bằng mười ở thành thị. Thế thì điều tra đánh đổ là việc cần ích.
Hỡi “lạm quyền” mi tính lại coi bao nhiêu giọt máu nhễu vì mi? Bao nhiêu giọt nước mắt rơi vì mi?
Hỡi nhà ngôn luận: nên đánh đổ “lạm quyền”. Nên lôi mặt “lạm quyền” ra trước công pháp đặng bảo tồn cuộc hòa bình cho quần chúng:
Yêu cầu Chánh phủ nên lật quách mớ mọt “lạm quyền” ra ngoài nền chánh trị”…
Có thể nói, ở nhà báo Phan Ngọc Hiển lòng căm thù giặc với tình thương yêu đồng bào lao khổ, bị áp bức tuy hai mà một. Nó xuyên suốt, là tư tưởng chính thống trong hầu hết các bài viết của ông – Mục đích làm báo của ông là để làm chính trị. Với tấm lòng đó, Phan Ngọc Hiển đã lặn lội tìm hiểu cặn kẽ khắp nơi, từng chung sống, cùng lao động với những người làm biển, làm rừng, nhà nông, quan tâm đến những anh kéo xe, chị mua gánh bán bưng, những tình cảnh đau lòng của những thiếu phụ có chồng bị giặc bắt đi sưu mất tích. Ông tìm hiểu cả bọn ăn chơi tệ nạn xã hội, những tên tề, lính làm tay sai cho giặc Pháp, có phân biệt, lên án tùy mức khác nhau, vì số “quần chúng lạc hậu” này phần lớn do hoàn cảnh, mà điểm chính cần phải đả phá là giặc Pháp và bọn cường quyền.
“Trên lầu đèn sáng rỡ, những cặp người ôm nhau theo điệu nhảy “tăng-gô”. Họ sung sướng với cái ái tình “trâm anh đài các”, gần những cốc rượu, không còn dòm xuống kia, mấy anh xa phu ngồi giữ xe ngong ngóng cùng con gái hàng mía dưới bóng cây lướt nặng trên đường, quặt quại đòn gánh, nhúng oằn vai, cô đánh đòng xa tay dịu, đi riết… Cô gái hàng mía bước vô chỗ khốn nạn mà cô không hay khốn nạn, chỗ chết mà cô không hay chết: đó tại cô quê mùa, nghèo khổ, mà nhứt là tại cô dốt nát!” (Phóng sự “Đêm ở kinh đô Hậu Giang”).
Phan Ngọc Hiển cũng phê phán cách nghĩ nô lệ của “Ông Gát-den - quan một” rất hãnh diện được mề đay danh dự về “Người thuộc địa biết trung thành, biết liều chết với chủ (Pháp) trong cơn giặc giã”; phê phán lối văn minh dỏm của mụ nhà giàu “đã quá ngũ tuần” nhờ có con dâu đầm cũng ráng học nhảy, học nói bập bẹ mấy câu tiếng bồi để được cặp kè với một “ông Tây già ở kinh đô” mà bà gọi “a-mi” của bà khi chồng An Nam bà hỏi đến (Có con dâu… “danh dự”).
Phan Ngọc Hiển tuyệt nhiên không khi nào tự coi mình là “nhà làm báo”, nhưng luôn dựa vào vũ khí sắc bén này để đưa vấn đề ra công luận, đề cao bảo vệ nhà báo và báo chí.
Trong bài “Mấy lời với… “Ông Làng” … trên mặt báo”, Phan Ngọc Hiển nói rõ: “Tôi cần phải bàn với ông trên mặt báo, nghĩa là trước mặt một số đông người” về việc một viên chức đương thời do dốt nát đã dám chê và nói xấu báo chí.
Sau khi viện dẫn nhiều lý lẽ để bác bỏ quan điểm sai của đối phương, Phan Ngọc Hiển khẳng định: “Vả lại một nhà làm báo, nếu ưu thời mẫn thế bao giờ cũng bị một “đám thế” dèm pha mạt sát, cũng như người làm chánh trị bị bọn cướp thù ghét vậy mà”.
Cuối cùng tác giả kết luận: “Báo giới là lòng dân trước mặt Chánh phủ, là ngọn đuốc giúp Chánh phủ thấy rõ đâu chánh, đâu tà, đâu liêm sỉ, đâu ô trược, đâu công bình, đâu bóc lột, đâu bình dân, đâu hiếp dân… Thấy ông xúc phạm tới danh dự báo giới một cách vô cứ… Cần nhắc ông, báo giới là chỗ nói chuyện công, chớ không để bươi móc chuyện tư của ai cả”.
Nguyễn Thanh
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ