Danh mục
Nguyễn Trọng Xuất - Ngày: 31/01/2020
THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO
CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
Nhà báo Hoàng Hà
Quốc hội họp tại nhà hát lớn Hà Nội mới tiếp quản. Hội trường bỗng rộ lên. Mọi người rần rật đứng dây, vừa vỗ tay vừa hô:
- Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!
Phóng viên báo chí ngồi ở các “lô” tầng trên cũng đứng dậy reo hò. Một nhà báo ở “lô” bên cạnh tôi cứ gào:
- Trời ơi! Bác Hồ đẹp quá!
Tập kết ra Bắc, lần đầu sau chín năm mơ ước, tôi được nhìn thấy Bác và cũng bắt đầu những ngày tháng đầy diễm phúc, thường xuyên được gần Bác, cho đến lần cuối cùng trước khi trở về miền Nam, trong buổi tường thuật trực tiếp Lễ Quốc Khánh 2/9/1961 tại quảng trường Ba Đình.
Phụ trách biên tập chính trị - ngoại giao, tôi được Đài tiếng nói Việt Nam (TNVN) biệt phái đi theo để phản ánh hoạt động của Bác. Trong bảy năm ấy, các hoạt động của Bác cần thông tin, phản ánh, văn phòng Phủ Chủ tịch trực tiếp thông báo cho tôi. Nội dung hoạt động của Bác, báo chí, đài phát thanh đều đã phổ biến, tôi chỉ xin kể vài chi tiết nhỏ nhặt trong sinh hoạt thường ngày của Bác quan hệ đến nghề báo.
Hơn một năm sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Bác về thăm các tỉnh khu 4 và Quảng Bình, Vĩnh Linh. Chỉ mấy chiếc xe, hầu hết là com-măng-ca bền chắc, “âm thầm” rong ruổi đường dài lồi lõm ổ gà. Xe bảo vệ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi trước, phía sau xe Bác là xe Đài TNVN và xe nhà báo. Đến Thanh Hóa, Bác thăm anh chị em thương binh miền Nam tập kết, rồi đi luôn vào Hà Tĩnh
Trụ sở Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ là một dãy nhà tranh đơn sơ, đằng sau có một hồ sen yên tĩnh. Mấy anh em chúng tôi đang ngắm hoa thì Bác Hồ trong nhà đi ra. Bác khen:
- Hoa buổi sáng đẹp quá!
Anh Đinh Đăng Định – nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh Bác, chạy vào nhà lấy máy ra:
- Bác lội xuống hồ để cháu chụp tấm ảnh!
Bác cười:
- Chưa ăn sáng, các chú đã bắt Bác làm việc à!
Mặc bộ đồ quần áo nâu, Bác lội xuống hồ, một tay xăn quần, một tay làm động tác hái hoa. Anh Đinh Đăng Định bắt Bác lội bì bõm hết phía này đến phía khác. Khi Bác rửa chân, tôi nói nhỏ với anh Định:
- Sao anh làm khổ Bác dữ vậy?
Anh không trả lời câu hỏi của tôi:
- Tuyệt, tuyệt! Bác ở làng Sen, Bác thanh khiết như hương sen, mình có những tấm ảnh Bác đẹp hơn hoa sen. Cậu đừng lo, Bác thương cánh nhà báo chúng mình lắm.
Quây quần bên Bác ở mái hiên có phóng viên báo Nhân Dân, anh Định, anh Vũ Đường (Thanh Nho) và tôi. Bác hỏi anh em làm báo đã lâu chưa và Bác dặn:
- Các chú viết báo cho đồng bào xem, phải viết cho dễ hiểu. Phải tránh bệnh dùng chữ Hán. Có nhà văn viết “cặp mắt cụ già rất đĩnh ngộ”. Biết đĩnh ngộ là gì không? Là nói mắt trẻ em. Thế là ví cụ già như em bé. Chữ nào không biết rõ thì đừng dùng.
Đồng chí cần vụ ra mời Bác ăn sáng. Chúng tôi tiếc ngẩn ngơ. Trong bài nói về “Cách viết” – tháng 8/1954, Bác đã nói đến ý này nhưng đây lại như người cha ân cần dặn dò con cái, từng chữ thấm sâu…
Trở lại Bến Thủy, Vinh, Bác đi thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, đồng bào, bộ đội miền Nam tập kết, với chuyên gia Liên Xô…
Bác đến từng nơi, thăm hỏi, dặn dò, người làm báo đi theo Bác khó lòng phân biệt lúc nào Bác là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, lúc nào là người cha thân yêu đến với bà con ruột thịt. Lúc bấy giờ, miền Bắc đang khôi phục kinh tế do chiến tranh tàn phá còn lắm cam go. Miền Nam đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử bị Mỹ - Diệm khủng bố khốc liệt. Bao nhiêu vấn đề chính trị, tư tưởng lớn lao, phức tạp phải giải thích, giáo dục, động viên. Không thấy có những bài viết sẵn, Bác chỉ trực tiếp nói những điều Bác suy nghĩ, cảm xúc. Đôi khi cũng thấy Bác cầm miếng giấy nhỏ bằng bàn tay, nhưng cả buổi nói chuyện Bác chỉ liếc nhìn một, hai lần. Những vấn đề to lớn quan trọng của đất nước qua lời Bác nghe giản dị, sâu lắng, người nghe cứ tưởng như đang nghe bàn chuyện trong gia đình, làng xóm mình.
Đọc những bài Bác diễn thuyết và viết báo hồi trẻ ở Paris, chúng tôi thường tấm tắc là “grand orateur”, là “đại hùng biện”… Bấy giờ chỉ nghe “văn nói” mộc mạc! Hầu hết những buổi nói chuyện của Bác chúng tôi đều có ghi âm, sau đó chép nguyên văn ra giấy. Điều làm chúng tôi kinh ngạc là tất cả các bài “văn nói mộc mạc” của Bác khi nghe chân chất, tự nhiên như chuyện tâm tình lại là những bài văn viết hoàn chỉnh. Từng chữ, từng câu, từng đoạn, toàn bài đều rõ ràng, mạch lạc, xúc tích, chính xác đến từng cái chấm, cái phết. Từng cái đại hùng biện đến cái đại giản dị, phải chăng là kết quả của cả một đời luyện bút như Bác đã kể về kinh nghiệm làm báo của Bác tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần 2/1959.
Hôm về thăm ngôi nhà xưa của Bác ở làng Sen, xã Kim Liên, Nghệ An, có những chi tiết gây ấn tượng mạnh trong tôi. Ngõ thẳng vào nhà, Bác không đi lại men theo bờ tre. Bác nói với các đồng chí địa phương:
- Hồi trước Bác vào nhà, Bác đi đường này …
- Dạ thưa Bác, sau giải phóng làm đường mới thẳng vô nhà cho rộng rãi khang trang…
- Nhưng chỗ đó có cái mả của người ta…
- Dạ, đã dời ra đồng.
- Không được, ai lại vì đường vô nhà Bác mà dời mồ mả người ta.
Vào sân, một ông lão chạy ra chào Bác. Bác ôm ông lão:
- Cụ Điền! Đúng không? Cái lò rèn còn ở gốc đa ngoài đồng không?
- Hơn mười năm, Bác có quên ai đâu.
Cụ Điền xúc động chảy nước mắt:
- Thưa Bác, làm ăn hợp tác nên đã dời vô làng…
Về thăm làng Sen quê Bác.
Bác đi lung tung trong xóm, bà con già trẻ chen chúc đi theo quanh Bác. Mấy anh bảo vệ mặc thường phục làm bộ chen lấn để giãn bà con ra sau. Bác rầy:
- Các chú máy móc quá. Bà con ruột thịt cả, việc gì phải bảo vệ kỹ vậy?
Ra bãi trống gốc đa, Bác phát kẹo cho trẻ em, rồi căn dặn:
- Phải chăm chỉ học hành, không được “đập chắc” (đánh nhau) nghe.
Dù có cuộc họp đông đảo đại biểu các tầng lớp nhân dân Nghệ An trong thành cổ để Bác gặp gỡ thăm hỏi, nhưng dân thành phố Vinh ai cũng đòi gặp mặt để chào Bác. Tỉnh ủy phải nghĩ cách thỏa mãn nguyện vọng đồng bào. Theo kế hoạch, Bác vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh bằng máy bay. Từ trụ sở Tỉnh ủy trong nội thành ra sân bay phải đi qua thành phố. Xe Bác bỏ mui trần sẽ chạy qua đường phố chính để Bác chào đồng bào.
Sáng hôm đó, đoàn xe theo trật tự như mọi lần ra khỏi cửa thành, định vượt qua một sân bóng để vào đường phố. Cả thành phố như đã phục sẵn cả đêm, hằng ngàn người lớn bé, già, từ đầu phố tràn vào sân bóng ào ào như thác lũ, nhanh như chớp tràn ngập, chen lấn hỗn loạn, vây phủ lấy đoàn xe. Ai cũng muốn giành phần đến gần Bác nhất. Kẹt giữa biển người, xe cộ không làm sao nhúc nhích được.
Anh Nguyễn Chí Thanh đứng lên trên xe quan sát, rồi anh nhảy xuống chen ra phía xe nhà báo chúng tôi chưa bị “khóa chặt đuôi”, còn kẽ hở. Anh điều khiển cho tài xế lùi xe, lùi dần ra khỏi “vòng vây”, lấy đuôi làm đầu, đoàn xe theo đường ranh thành phố chạy tắt ra sân bay.
Quây quần đứng uống nước trong phòng chờ đơn sơ ở sân bay, ai nấy còn hồi hộp nghĩ đến tình huống khó bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Bác vừa xảy ra. Anh Nguyễn Chí Thanh thở phào nhẹ nhõm:
- Trời! Bây giờ cũng chưa hết hồi hộp, lúc nãy sợ quá!
Bác như tiếp lời anh Thanh:
- Mình cũng sợ quá!
Tôi đang băn khoăn về câu nói của Bác bởi tôi hay chú tâm đến tiểu tiết, nghĩ rằng phẩm chất cao lớn của con người bộc lộ bằng cử chỉ, lời nói nhỏ nhặt, bình thường nhất thì Bác đã nói tiếp:
- Trời ơi! Mấy cô ẵm con thơ cứ chen bừa vào, suýt bẹp các cháu bé, mình sợ quá!
Hồi đó, các cơ quan đón tiếp Bác, nhà vệ sinh thường cách xa nhà ở mấy chục mét. Mỗi lần đi vệ sinh, Bác đi một mình. Anh em bảo vệ bắt Bác bịt khẩu trang để che bộ râu. Bây giờ quy định một số cán bộ lãnh đạo cấp cao đi đâu có xe cảnh sát dẹp đường, hụ còi, long trọng lắm; chớ lúc đó tôi nghe anh em cảnh vệ kể lại, thỉnh thoảng Bác ăn mặc sơ sài như dân, một mình đi quanh Hồ Tây, làm anh em phải chạy theo bí mật bảo vệ Bác.
Đoàn công tác theo chân Bác về thăm Khu 4 do anh Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng đoàn. Các địa phương thường bố trí chỗ ăn ở trong dãy nhà khách bán kiên cố. Bác ở phòng giữa, kế bên là phòng anh Thanh rồi đến phòng chúng tôi. Mỗi tối chúng tôi sinh hoạt, hội ý công tác tại phòng anh Thanh. Tối nào cũng vậy, Bác qua dự. Bác mặc áo thun, quần cụt, lúc ngồi ghế, lúc ngồi mé bàn làm việc. Lần nào kết thúc buổi hội ý, Bác đến hỏi:
- Các chú nhà báo có khó khăn gì không?
Lần Bác về thăm nhà ở làng Sen, nhiều chi tiết xúc động, tôi định viết một số bài. Tôi trình bày dự kiến của mình. Bác nghe, Bác liền đưa tay ngăn lại:
- Năm mươi năm Bác mới được về thăm nhà, nhưng đừng đưa lên báo, lên đài. Cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết đang còn phải xa nhà cửa, quê hương. Đưa tin Bác về thăm nhà làm cho anh chị em thêm buồn nhớ miền Nam là không lợi…
(Mấy năm sau, báo chí mới được đăng sự kiện này).
Thăm hỏi nói chuyện với cán bộ, đồng bào, khó phân biệt được Bác là lãnh tụ hay người cha, thì quan hệ với báo giới khó phân biệt Bác là lãnh tụ hay nhà báo. Đến các tỉnh, phóng viên nhiếp ảnh địa phương chưa quen với tác phong đi bộ rất nhanh của Bác, phải chạy theo, bị động, nên khi Bác vẫy tay đáp chào đồng bào, không chỉnh máy kịp, chụp hụt. Bác liếc nhìn, thông cảm ngay, thỉnh thoảng Bác đi chậm lại, vẫy tay tiếp để anh em chụp cho đạt yêu cầu. Nhưng khi gặp những vấn đề chính trị phức tạp, tế nhị cho báo chí, Bác lại tỏ ra rất nhạy bén.
Tháng 6/1959, Tổng thống Indonésia Sukarno thăm Việt Nam. Sau khi đi Hải Phòng về, Tổng thống Sukarno gặp gỡ nhà báo tại phòng họp trên lầu Phủ Chủ tịch. Đại ý ông phát biểu:
… Tôi đã đi vòng quanh thế giới, đến Việt Nam xem như về đến nhà, không đi đâu nữa… Tôi không đi thăm nhiều nơi được vì phải thường xuyên ở gần bên anh Cả của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nước tôi đang gặp những khó khăn, tôi cần được nghe ý kiến đóng góp của anh tôi…
Tôi xúc động đến rợn người. Tổng thống Sukarno – nhân vật tầm cỡ Châu Á và thế giới lại cung kính Bác Hồ mình là anh Cả, là thầy. Chắc các nhà báo Việt Nam có mặt cũng sung sướng như tôi, nên chúng tôi cùng rút ra phòng nhỏ bên cạnh chuẩn bị kịp thông tin sự kiện lý thú, hấp dẫn đến đồng bào. Bác cảm thấy ngay tâm trạng của các nhà báo. Bác rỉ tai anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác. Anh Vũ Kỳ chạy theo vào phòng chúng tôi:
- Các đồng chí nhà báo nghe tôi truyền đạt ý kiến của Bác: Bác bảo Thông tấn xã viết một tin cuộc họp thân mật, hữu nghị của Tổng thống Sukarno. Xong đưa Bác xem lại rồi các báo, đài theo đó mà đăng tải.
Dịp năm mới 1961, Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị Bác có thư chúc Tết đồng bào. Văn phòng Phủ Chủ tịch thảo bài, thảo thư cho Bác. Anh Nguyễn Văn Nhất – biên ủy, dành mấy ngày đêm soạn thảo được bức thư độ ba trang đánh máy. Xem qua, Bác bảo:
- Dài quá đồng bào không có thì giờ để nghe.
Chúng tôi đang chờ ý kiến sửa đổi của Bác, thì tối hôm đó, Bác đến dự liên hoan của đồng bào Hà Nội. Đồng bào yêu cầu Bác phát biểu và Bác chợt ứng khẩu “đại ý”: Năm nay là năm Sửu, Sửu là trâu. Trâu thì cày giỏi mà chọi cũng hăng. Năm mới miền Bắc xây dựng thành công. Miền Nam đấu tranh thắng lợi. Vậy có thơ rằng:
Mừng năm mới, mừng Xuân mới.
Mừng Việt Nam, mừng thế giới!
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh.
Kế hoạch năm năm thêm phấn khởi.
Chúc miền Bắc hăng hái thi đua.
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới!
Chúc hòa bình, thống nhất thành công!
Chúc Chủ nghĩa xã hội thắng lợi!
Tôi ghi âm được ý kiến phát biểu đột xuất này của Bác. Hôm sau, anh Vũ Kỳ điện thoại truyền đạt cho chúng tôi là Bác bảo cắt bớt lời nói đầu, lấy nguyên bài thơ làm thư chúc Tết năm nay của Bác.
Đi theo Bác luôn gặp những chi tiết bất ngờ lý thú mà không đưa lên báo, lên đài được. Tháng 2/1958, họp báo để nghe Bác nói kết quả chuyến thăm Ấn Độ, Miến Điện của Bác. Khi còn ngoài hành lang, Bác vừa làm động tác đánh trống vừa nói vui:
- Đi làm ngoại giao, mấy chú lễ tân cứ bắt Bác “lùng tùng xèng” (ý nói lúc nào cũng nghi thức long trọng). Về tới Miến Điện, tổng thống, thủ tướng nước bạn đều mang dép, Bác cũng được đi dép thích quá!
Bảy năm, tôi chưa một lần được thấy Bác mặc âu phục. Trong nhà bộ quần áo nâu; lễ lạc, tiếp khách bộ ka ki đại cán; tập thể dục, làm vườn Bác mặc quần cụt, áo thun. Chúng tôi tiếp cận công tác ngoại giao, dự lễ đón tiếp, Bác dặn phải ăn mặc nghiêm chỉnh, ai có “complet, cravate” cứ diện, không có thì lên Bộ Ngoại giao mượn. Nhưng đi vào dân là phải cẩn thận với Bác chuyện ăn mặc – có văn hóa hay không?
Một lần Tết Nguyên đán, Bác đến thăm nhà máy Cao-Xà-Lá. Nhà máy nằm cách đường lộ Hà Nội – Hà Đông vài chục mét, đường vào lầy lội. Lãnh đạo nhà máy ra tận lộ đón Bác. Một đồng chí mặc “complet”, thắt “cravate” đến chào. Bác nắm cái “cravate” giựt giựt, bảo:
- Cái này đẹp, nhưng lo cho đường vào nhà máy sạch sẽ, khô ráo thì đẹp hơn.
Bây giờ, xem truyền hình thấy người ta đi thăm đồng bào bị bão lụt, đi khảo sát đồng ruộng khô cháy, đi chỉ đạo đắp đê, đào kênh, cứu đói vùng sâu, vùng xa… đều ngố ngọng với com-lê, cà vạt, đi giày “bốt” như “vua quan mặc áo gấm thăm ruộng lầy”, mà thương tiếc Bác đứt ruột, đứt gan.
Không thấy Bác ăn ngủ trong tòa nhà Phủ Chủ tịch, xưa là dinh Toàn quyền Đông Pháp, Bác chỉ ở trong ngôi nhà sàn thanh tao trong khuôn viên. Sự thanh bạch, giản dị của Bác là tấm gương, là thành trì đạo đức cản ngăn mọi manh nha tham ô, lãng phí. Hồi đó, không thấy một cán bộ nào dám xây nhà cao cửa rộng như quan chủ tỉnh Vĩnh Phúc. Bác mà sống tới bây giờ, cán bộ có ăn gan trời cũng không dám “xí” vài ba tòa nhà lớn bé, đố cha Phùng Long Thất dám tham nhũng cả chục ngôi biệt thự.
Sách báo đã viết và không bao giờ viết hết được về cái giản dị vĩ đại của Bác. Mỗi người chỉ có thể kể lại niềm hạnh phúc liên quan đến công việc của mình. Tết 1960, ghi âm thư chúc năm mới của Bác. Vừa bố trí “micro” ở phòng làm việc trên lầu Phủ Chủ tịch, thì Bác vào. Bác ngồi cầm bút, xem lại bức thư do thư ký soạn thảo. Một lát Bác hỏi tôi:
- Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế…phải thêm phát triển văn hóa, phải không chú?
Trước mặt Bác, cái đầu tôi nó nhỏ bé, sao Bác lại hỏi và làm sao tôi dám trả lời. Tôi lặng người, ngồi im, đến nỗi sau đó Bác hỏi thêm mà tôi chỉ nghe loáng thoáng:
- “Phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc… phải nói đầy đủ như thế, hả chú?”
Tôi lại cũng ngồi im lặng. Bác nhìn tôi:
- Làm nhà báo thì phải mạnh dạn lên, góp ý kiến cho Bác chứ!
Chao ôi, một nhân cách rất lớn lao lại quá đỗi khiêm nhường!
Để bảo đảm chất lượng phải có xe thu thanh đầy đủ máy móc và cán bộ kỹ thuật cùng đi. Kéo “micro” lên lầu để thu, còn nghe lại phải xuống tận xe đậu dưới sân. Thu xong, mời Bác xuống nghe lại. Bác băn khoăn:
- Bác xuống nghe, bảo vệ lại đuổi mấy chú công nhân đang làm việc dưới sân, không được đâu…
Anh Vũ Kỳ làm Bác yên tâm:
- Hôm nay thợ làm chỗ khác, không làm dưới sân.
Khi Bác vào trong xe thu thanh, anh Lê Nuôi mở máy cho Bác nghe, còn anh Đinh Đăng Định đứng ở cửa xe chụp ảnh.
Cũng năm 1960, trong đêm dạ hội chào mừng Đại hội Đảng lần thứ ba tại Vườn bách thảo Hà Nội, Bác đến. Đi ngang dàn nhạc lớn ngoài trời, Bác tạt vào. Nhạc sĩ chỉ huy mắc vỗ tay reo mừng Bác, Bác chiếm luôn bục và “đũa” chỉ huy đánh nhịp thành thạo cho dàn nhạc trỗi lên khúc ca “Kết đoàn”.
Vừa rời dàn nhạc, hàng ngàn đồng bào lập tức bao quanh, yêu cầu Bác nói về thắng lợi Đại hội Đảng. Bác leo lên đứng giữa hàng tam cấp Núi Nùng để có điểm cao dễ nói chuyện. Đông quá, không làm sao chen lên gần Bác được, tôi phải đứng dưới ba bốn bậc, ì ạch mang cái máy thu thanh Hunggari nặng chình chịch, nhón lên, chìa cái “micro” về phía Bác. Bác nhìn thấy. Mặc dầu đã mở đầu, Bác dừng lại, với tay bảo tôi:
- Đưa cái micro, Bác cầm cho.
Thế là, Bác cầm “micro”, tôi mang máy. Bóng đèn điện tử ở máy ghi âm tôi đang mang trong lòng nhấp nháy những tia sáng kỳ diệu theo từng lời nói của Bác. Ấm áp, thân tình mà nghe thiêng liêng, hùng tráng!
H.H.
(Nguyên Phó ban Tuyên huấn Khu SG-GĐ,
Bí thư Đảng ủy Văn hóa Khu SG-GĐ)
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ
- TẤM LÒNG NHÀ BÁO PHAN NGỌC HIỂN (*)