Danh mục
NGUYỄN TRỌNG XUẤT - Ngày: 08/07/2021
TÔN TẠO DI TÍCH
BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM
Bia kỷ niệm Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (1961 - 1975)
ở chiến khu Tây Ninh.
Do hoàn cảnh đất nước ta bị chia cắt hai miền: Trung ương Đảng ở miền Bắc, miền Nam có Trung ương cục miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với các Ban, ngành, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam được thành lập để tuyên truyền, vận động quân dân miền Nam đoàn kết quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 26/7/2020, tại căn cứ kháng chiến cũ, trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương cục miền Nam xã Tân Phú, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam tổ chức trọng thể Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (1960 – 1975).
Đến dự có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Thường trực Huyện ủy Tân Biên, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, một số cán bộ lão thành của Ban Tuyên huấn cùng đông đảo cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh, Huyện ủy Tân Biên và đồng bào địa phương.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Đồng chí Võ Văn Phuông thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu: “Hôm nay chúng ta tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ngành Tuyên giáo (1/8/1930 – 1/8/2020), kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam (23/11/1961 – 23/11/2020) và khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Ban Tuyên huấn TWC miền Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác tuyên giáo là một mặt trận hết sức quan trọng, ngay sau khi ra đời, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và tuyên truyền, coi đó là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về Chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của Đảng.
Nhân ngày “Quốc tế Đỏ” 1/8/1930, Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng đã phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế Đỏ 1 tháng 8” kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết.
Kể từ đó, những cán bộ của Đảng đã kiên trì tuyên truyền, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp lên cho họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng Cộng sản, vào thắng lợi của Đảng, của dân tộc. Nhiều cán bộ tuyên truyền đã biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng, biến nhà máy, đồng ruộng, thôn xóm thành nơi gắn kết máu thịt mang tính sống còn giữa Đảng với nhân dân…, cổ vũ nhân dân nổi dậy đập tan ách áp bức của thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc bằng cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công…
Các cán bộ ngành Tuyên giáo cả nước đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tích cực tuyên truyền làm cho cả dân tộc trở thành một khối thống nhất thực hiện Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: quyết không làm nô lệ; chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, quyết tâm thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng chống thực dân Pháp: “ Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, kháng chiến kiến quốc”.
Và nhân dân ta đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ lịch sử (1954), chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương, bảo vệ thành quả cách mạng tháng Tám. Đất nước bị chia ra hai miền; miền Bắc độc lập, miền nam do Mỹ - ngụy chiếm đóng.
THÀNH TÍCH ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC
Suốt 21 năm (1954 – 1975): xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Công tác tuyên giáo đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước tích cực thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Đồng bào và chiến sĩ miền bắc, dũng cảm tiến lên, hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu. các lực lượng võ trang nhân dân hãy anh dũng chiến đấu giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa; công nhân và nông dân hãy hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm “một người làm việc bằng hai” và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, ủng hộ miền Nam. Anh chị em trí thức hãy cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc. các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt “Ba sẵn sàng”, xung phong dâng hiến tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Chị em phụ nữ phải thực hiện thật tốt “ba đảm đang”. Đồng bào các dân tộc, các tôn giáo hãy đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà…”
Công tác tuyên giáo đã góp phần động viên nhân dân miền Bắc ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng đồng bào miền Nam đánh giặc cứu nước, vừa làm nghĩa vụ quốc tế.
Ở miền Nam, để kịp thời cho công tác lãnh đạo công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung ương cục miền Nam đã thành lập các cơ quan tham mưu giúp việc trọng yếu, ngày 23/11/1961, hội nghị Trung ương cục miền Nam đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, tiếp nối nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.
Ngay từ khi thành lập, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam được giao nhiệm vụ: vừa theo dõi nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng, dư luận xã hội trên chiến trường miền Nam, vừa tham mưu đề xuất với Trung ương cục về chủ trương, đường lối đấu tranh chánh trị, ngoại giao trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; thực hiện nhiệm vụ giáo dục và rèn luyện về chánh trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân; cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân miền Nam đứng lên đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng.
Cán bộ, nhân viên ban Tuyên huấn Trung ương cục không chỉ là chiến sĩ trun g thành trên mặt trận tư tưởng, chánh trị, mà thật sự là chiến sĩ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường ác liệt, chống càn bảo vệ an toàn căn cứ, còn đóng góp nhân lực cho bộ đội Miền, biên chế trung đoàn 3, công trường (sư đoàn) 9, toàn Ban có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 353 đồng chí là thương binh, hàng trăm chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe tăng, máy bay; có nhiều đồng chí xuất sắc được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh và các phần thưởng cao quý khác.
PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
Ra đời trong mưa bom, bão đạn và trực tiếp đương đầu với kẻ thù nơi tiền tuyến lớn, hơn một thập niên kiên cường hoạt động, vừa công tác, vừa chiến đấu, trong mọi tình huống ác liệt của cuộc chiến tranh, Ban Tuyên huấn Trung ương cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam: tháng 1 năm 2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi đất nước thống nhất, các cán bộ tuyên giáo thực hiện chỉ đạo của Đảng, tập trung động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao quyết tâm vượt qua thử thách, cổ vũ khí thế phấn đấu nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc để có những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện như hiện nay.
Trải qua 90 năm, ngành Tuyên giáo đã đổi với nhiều tên gọi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa giáo thì vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tuyên giáo đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Những đóng góp to lớn đó của ngành được nhân dân trân trọng, Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Từ năm 2000, ngày 1 tháng 8 hàng năm được Bộ Chính trị công nhận là Ngày Truyền thống công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng; đến năm 2007, ban Bí thư đã quyết định là Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng sau khi Ban tư tưởng – văn hóa Trung ương và Ban khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo trung ương.
LỜI TÂM NGUYỆN VÀ KỲ VỌNG CỦA NGÀNH
90 năm đã qua đi, đến nay, giang sơn đã thu về một mối, những đau thương, mất mát, những vết thương chiến tranh đang dần lành lại, quá khứ dần khép lại theo thời gian, nhưng ký ức, truyền thống hào hùng của một thời đạn bom, của sự gian khổ, hy sinh của bao cán bộ chiến sĩ, đồng bào vẫn còn đó, như một lời nhắn nhủ đối với chúng ta, những người đang sống, đang được hưởng tự do, độc lập hôm nay không bao giờ được quên quá khứ, phải biết trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống, lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc và phải biết phát huy giá trị ấy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Để lưu giữ trường tồn di tích lịch sử của ngành, qua đó, giáo dục, tiếp sức cho thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí phách của các thế hệ đi trước, vững bước đi trên con đường đầy gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang và đáng tự hào của ngành Tuyên giáo Đảng, tích cực đóng góp thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam; ngày 2/5/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khởi công tu bổ, tôn tạo di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, do công trình đã được xây dựng từ năm 2005, qua 15 năm nên đã xuống cấp. Công trình được thực hiện rất khẩn trương, chỉ trong hơn 2 tháng, chúng ta đã hoàn thành các hạng mục cải tạo gồm: nhà Bia, di dời Đài tưởng niệm, sân hành lễ, nhà kho lưu trữ, tường rào, bảng hiệu… (còn thiếu các cặp liễn đối và bảng danh sách liệt sĩ).
Để đạt được kết quả đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, quý báu của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Tây Ninh, Tỉnh ủy Bình Dương, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty cổ phần Hải Đăng và một số nhà tài trợ khác, cùng với tấm lòng của người dân Tây Ninh dành cho ngành Tuyên giáo Đảng, mà đại diện là tập thể lãnh đạo, công nhân công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Ngọc Lực đã không quản ngày đêm thi công để kịp hoàn thành công trình chào mừng 90 năm Ngày truyền thống của Ngành.
Hôm nay, chúng ta có mặt nơi đây để ôn lại sự nghiệp vẻ vang của ngành Tuyên giáo và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, đồng thời, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là cán bộ Tuyên huấn đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, và cũng là để khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
Buổi họp mặt hôm nay tại Bia di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam này thể hiện truyền thống, đạo lý, nghĩa cử cao đẹp “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta, là “cầu nối” liên kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của người đang sống đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, là sự ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các cán bộ ngành Tuyên giáo cả nước nói chung và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ trẻ hôm nay.
Chúng ta cũng không bao giờ quên: sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ Tuyên giáo hôm nay đã luôn có sự dìu dắt chăm lo của Đảng và Bác Hồ; có sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương,trong sự đùm bọc của nhân dân cả nước. Chúng ta, những người làm công tác tuyên giáo của Đảng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những sự quan tâm, giúp đỡ quý báu đó.
Với truyền thống vẻ vang của Ngành, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo sẽ nỗ lực thực hiện lời dạy của Bác Hồ, luôn “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; đi sát thực tế, liên hệ mật thiết với quần chúng” để hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình; giúp ngành đạt được những thành tựu to lớn hơn, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội XIII của Đảng.
Chúng ta cũng tin tưởng những cán bộ hưu trí của ngành Tuyên giáo, bằng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình sẽ tiếp tục tích cực tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và vận động quần chúng nhân dân hiểu, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương; góp phần xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển bền vững; bảo vệ vững chắc nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
THANH BỀN (TTXGP)
(Kỷ niệm ngày khánh thành tôn tạo, tu bổ Di tích Ban Tuyên huấn TWCMN).
Danh mục khác
- MỤC LỤC SÁCH "MỘT THỜI LÀM BÁO" tập XVIII
- MỤC LỤC
- CÙNG BẠN ĐỌC
- BÁC HỒ - MUÔN VÀN TÌNH THÂN YÊU!
- “CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ CÂU CHUYỆN THẦN KỲ THẾ KỶ 20!”
- MẠN ĐÀM VỀ NHÂN TỐ “GỐC” CỦA CHẾ ĐỘ
- THEO CHÂN BÁC HỌC LÀM BÁO CHI TIẾT NHỎ, BÀI HỌC LỚN
- CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI ĐÁNH XE NGỰA ĐƯA MỘT THẦY GIÁO VỀ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH
- “LO TRƯỚC, VUI SAU”
- ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU ỦY SÀI GÒN – CHỢ LỚN TẠI CHIẾN KHU Đ